Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chàng trai trẻ tạo nên thương hiệu cho tào phớ Việt

Đang là giảng viên đại học, thầy giáo trẻ thế hệ 8x đột ngột bỏ dạy, đệ đơn xin nghỉ việc với lý do “động trời”: Đi bán tào phớ! Bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn, Tô Phước Thịnh dồn hết toàn bộ gia sản tích cóp sau mấy năm đi dạy là 70 triệu đồng, chỉ để “hì hụi” chọn mua đậu tương, nguyên liệu, mua máy ngâm, xay đậu về làm tào phớ. Con đường hình thành thương hiệu Tofu – “Hơn cả tào phớ” bắt đầu bất ngờ như thế!

Niềm đam mê… “điên rồ” 

 “Hình ảnh quen thuộc gắn với tuổi ấu thơ của tôi là các bà, các chị gánh từng nồi tào phớ thơm lừng vừa đi vừa rao khắp phố cổ. Hương vị rất riêng ấy chưa được “thổi hồn” để thành món ăn đặc trưng, được giới thiệu với du khách như khi tôi đi du lịch đến các quốc gia châu Á: Singapore, Hongkong, Nhật Bản,... trong khi tào phớ Việt Nam mình có vị riêng, rất ngon, tôi thấy không thể để lãng phí món ăn đặc sắc mang hồn dân tộc và ngon, rẻ như thế được”- chàng trai thư sinh, với khuôn mặt sáng, kể với tôi nghe về cơ duyên khiến anh quyết định từ bỏ nghề giáo viên để kinh doanh, với ý tưởng mà người thân cho là “điên rồ”.

Bắt đầu chăm chút cho cửa hàng nhỏ đầu tiên của mình được mở ở phố Huế, anh chọn cái tên mà đến nay đã quá quen thuộc với các bạn trẻ: Tofu- “Hơn cả tào phớ”. Để tạo hương vị riêng, vấn đề nguyên liệu được anh đặc biệt chú trọng. Tô Phước Thịnh kể, đơn hàng đầu tiên anh đã dồn hết tâm lực tìm hiểu, rồi quyết định chọn mua nguyên liệu từ... Pháp về, pha chế hương liệu với hạt đỗ tương, cho ra vị tào phớ riêng biệt theo công thức pha chế của mình. Đỗ tương được anh chọn mua từng hạt.

Những tháng đầu tiên đã rất ăn khách, vì quán nhìn đúng phong cách dân dã, giá cả hợp lý vô cùng. Với đủ loại món tào phớ pha chế đẹp mắt, hấp dẫn: Tào phớ đậu đỏ, tào phớ trà xanh… tha hồ cho giới trẻ thích thú thưởng thức.

“Đường sử dụng làm tào phớ tôi cũng chọn đường thốt nốt, đường nho, vì thanh, mát, nhẹ rất phù hợp với vị thanh, mịn như lụa của tào phớ Việt”- Tô Phước Thịnh say sưa kể, nụ cười sáng bừng sau cặp kính cận dày cộp, khiến người đối diện cũng bất giác mỉm cười theo.

Anh hồ hởi kể tiếp: “Những tháng đầu tiên, sau mỗi tối đóng cửa quán, tôi ngồi đếm tiền bán hàng trong ngày ra kiểm. Rất nhiều tiền, vì tiền đa phần toàn tiền lẻ”- Thịnh cười hóm hỉnh- “Khi đó, mỗi tháng tôi kiếm được, tiền lãi đấy nhé: 30- 40 triệu đồng/ tháng”.

Đến nay, chuỗi cửa hàng Tofu- “Hơn cả tào phớ” lúc nào cũng nườm nượp khách, toàn là các bạn trẻ. Giải thích cho tên gọi lạ này, Phước Thịnh bày tỏ: “Tofu trong tiếng Anh cũng là đậu phụ, nó cũng là tên viết tắt của tào phớ hoặc cũng có thể là Tô Phước” (viết tắt tên của anh).

Thu hút khách bằng sự sáng tạo độc đáo

Chàng trai trẻ cho biết, công thức hoàn toàn được làm ra từ sự “mày mò”, tự “mix” những hương vị cho phù hợp. Trong nhiều lần thử nghiệm, Thịnh nhận thấy tất cả những vị ngọt đều rất hợp với tào phớ, nhưng những vị chua hay có tính chát thì khó có thể kết hợp được.

Để có được một sản phẩm ngon thì khâu chọn lựa đậu là quan trọng nhất, vì nó quyết định trực tiếp đến chất lượng của món ăn. Ở chuỗi cửa hàng Tofu hoàn toàn sử dụng bằng đậu Miên của Campuchia, kết hợp với đậu của Mỹ được pha trộn với một tỉ lệ thích hợp, để làm sao cho ra được những lát phớ dai nhất mà không dùng bất kì một loại hóa chất hay chất làm đông nào.

Nước đường của Tofu dùng là loại đường nho, khi đường nho kết hợp cùng với đậu tương sẽ tạo ra một chất giúp hỗn hợp đông kết, cũng không cần phải dùng thêm chất tạo đông. Đường nho hoàn toàn phải mua từ những nước châu Âu như Pháp, Ý (là một trong hai nước làm đường nho nổi tiếng nhất thế giới) với mức giá khi nhập về Việt Nam cũng không quá đắt, khoảng 500.000 đồng/kg và có thể dễ dàng tìm thấy ở những siêu thị lớn trên cả nước.

Là một người trẻ thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng Tô Phước Thịnh lại không hề giấu bí quyết và chiến lược cho bản thân, mà luôn chia sẻ cùng với rất nhiều bạn trẻ khác cùng đam mê kinh doanh. Bởi với anh, để tào phớ trở thành món ăn rộng rãi, là niềm cổ vũ cho ẩm thực mang đậm hương sắc dân tộc. 

Tofu đến nay đã có 11 cửa hàng trên khắp cả nước với hơn 25 loại tào phớ được “mix” đa dạng như tào phớ đậu đỏ, tào phớ nha đam, tào phớ trà xanh, hay những loại hương vị khác mang đặc trưng của bốn mùa kèm theo một số loại bánh của người Việt, mức giá từ 9.000 đồng đến 18.000 đồng/bát.

Ở Hà Nội, thương hiệu Tofu – “Hơn cả tào phớ” có mặt tại những nơi tập trung đông đúc, trung tâm của thành phố như 61 Nguyễn Du, 370 Xã Đàn, 12 Hàng Lược, Vincom Royal City... Trong số các cửa hàng của Tofu cũng có một số nơi đang hoạt động theo phương thức nhượng quyền thương hiệu. Đây cũng là mô hình mà Thịnh cùng với những người bạn xây dựng ngay từ ngày đầu mới thành lập.

Kinh doanh gắn với thiện nguyện

Sở hữu 11 cửa hàng, tiền lãi hàng tháng không hề nhỏ, một phần thu nhập trong kinh doanh được Thịnh dành để tham gia vào các hoạt động từ thiện, giúp đỡ các trẻ em ở Làng trẻ mồ côi SOS, trẻ em chất độc da cam ở Làng trẻ hữu nghị Hòa Bình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hay như ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Những món quà mà Thịnh cùng những người bạn của mình mang tới cho các em chỉ đơn giản là những gói bánh, gói kẹo, những bộ quần áo, sách vở,.... nhưng đủ để các em cảm nhận được sự ấm áp, bù đắp khoảng trống vắng về tình cảm trong tâm hồn.

Trong tương lai, Tô Phước Thịnh rất muốn có điều kiện để thực hiện chuyến thiện nguyện ở vùng miền núi phía Bắc, đồng thời anh sẵn sàng giúp đỡ hay kêu gọi những nhà hảo tâm hỗ trợ trẻ em khó khăn là con em đồng bào dân tộc.

Bày tỏ tham vọng của mình với chuỗi cửa hàng Tofu- “Hơn cả tào phớ”, ông chủ trẻ Tô Phước Thịnh chia sẻ, kế hoạch trong 1 đến 2 năm nữa sẽ đưa được sản phẩm tào phớ Việt sang các nước châu Á, châu Âu, nhằm mang hương vị bình dị của người Việt đến với bạn bè quốc tế.