Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chàng trai từng sống thực vật vẫn không nguôi giấc mơ học hành

Gần mười năm bị tật nguyền, sau tai nạn giao thông thập tử nhất sinh và sống thực vật suốt hơn nửa năm, Tú vẫn không từ bỏ ước mơ được học.

 

Giữa cái nóng gần 40 độ buổi trưa cuối tháng tư, Nguyễn Thanh Tú (31 tuổi, ngụ thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Phước) mò mẫm từng bước chân ra cổng phụ mẹ mang túi hàng đựng đầy đồ chơi trẻ em vừa mua từ Sài Gòn về. Đôi mắt của anh đã mờ mịt sau tai nạn giao thông gần chục năm trước.

 

chang-trai-tung-song-thuc-vat-van-nuoi-giac-mo-hoc-hanh

Anh Nguyễn Thanh Tú. Ảnh: Mạnh Tùng.


Năm 2004, Tú đỗ ba trường đại học ở TP Hồ Chí Minh nhưng chọn học quản trị kinh doanh ở Đại học Nông lâm, vì học phí thấp nhất. Nhà nghèo, cha mất từ khi còn nhỏ, một mình mẹ làm mướn nuôi Tú và em trai nên anh phải làm thêm để kiếm đồng ra đồng vào. 

Tú kể, năm đầu đại học, anh đã nhận lau chùi đồ điện tử cho một cửa hàng điện máy ở Sài Gòn để kiếm được 300 nghìn đồng mỗi tháng. Công việc cực khổ nhưng Tú không nề hà vì anh học “lỏm” được cách kinh doanh của chủ cửa hàng.

Thời đó, Tú cũng là thủ lĩnh sinh viên Đại học Nông lâm đồng thời là gương mặt trẻ tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh. Anh đã sáng lập nhiều câu lạc bộ làm giàu, mở cửa tri thức, sinh viên khởi nghiệp… và một trong số đó vẫn đang hoạt động sôi nổi, hiệu quả.

Đầu năm 2008, chàng sinh viên năm cuối thu xếp đồ đạc từ Sài Gòn về Bình Phước để phụ mẹ công việc đón Tết Nguyên đán. Gần về đến nhà, anh và người bạn ngồi sau xe máy bị tai nạn giao thông.

Các bác sĩ đã giành sự sống cho anh từ lưỡi hái tử thần nhưng họ phải cắt một phần bộ não của anh để nuôi riêng. Hơn nửa năm trời Tú hôn mê sâu, nằm bất động. Gần hai năm sau đó, sau khi đã được “lắp” lại bộ não và vết mổ của hộp sọ lành dần, anh bắt đầu tập đi nhưng gần như mất hết trí nhớ.

Bốn năm sau tai nạn Tú mới dần phục hồi được trí nhớ, bắt đầu nhận ra người thân, bạn bè và những kiến thức hồi phổ thông, đại học. Tuy nhiên, anh đã không còn cơ hội lấy bằng tốt nghiệp treo lơ lửng trước mắt vì đã hết hạn. Chàng sinh viên xuất sắc ngày nào bỗng chốc thành kẻ trắng tay. Những ngày ở nhà một mình, Tú buồn bã, chán nản, có lúc tưởng tuyệt vọng.

Không đầu hàng số phận, Tú nhận dạy thêm miễn phí cho những đứa trẻ trong xóm để phục hồi trí nhớ, đồng thời cũng là cách để anh “ôn bài”. “Tôi dạy toán cho một em lớp 7, tôi lo lắm vì không biết mình dạy nó hiểu không. Vậy mà nó thi qua môn này sau nhiều lần rớt. Tôi tin mình vẫn còn nhớ kiến thức phổ thông”, Tú hào hứng kể.

Mỗi lần nghe các chương trình về kinh doanh, làm giàu trên truyền hình, những bài học quản trị kinh doanh hồi sinh viên của anh trỗi dậy. Anh có thể rành rọt kể về những bí quyết làm ăn của các doanh nhân Việt Nam cho bạn bè nghe.

Tú nói, việc quay trở lại con đường đại học với anh hiện khó "như lên trời" bởi mỗi khi tập trung suy nghĩ, anh dễ lên cơn động kinh. Song, chàng trai 31 tuổi vẫn chịu khó nghe, đọc và dạy kèm để dần dần hồi phục trí nhớ. Tiếp đó, anh sẽ học thêm một điều gì mới mẻ - không nhất thiết phải là đại học - để có thể phụ giúp mẹ già.

 

chang-trai-tung-song-thuc-vat-van-nuoi-giac-mo-hoc-hanh-1

Bà Nguyễn Thị Loan đỏ hoen mắt khi kể lại những chuyện về con trai. Ảnh: Mạnh Tùng.


Hiện, khó khăn của gia đình anh Tú trở nên chồng chất khi bà ngoại hơn 80 tuổi thường đau ốm. Không đủ sức đi làm thuê, mẹ anh - bà Nguyễn Thị Loan (56 tuổi) - phải mua đồ chơi ở Sài Gòn về bán rong trước cổng trường cho tụi nhỏ, kiếm tiền ăn cho cả nhà và lo thuốc thang hằng ngày cho anh. Chỉ tay vào chiếc tivi cũ nát đặt ở góc nhà, mẹ Tú - bà Nguyễn Thị Loan (56 tuổi) - chua xót: "Đó là thứ đáng giá nhất ở trong nhà tôi".

Những năm tháng dài nuôi con trong bệnh viện cách đây gần chục năm làm bà héo hon, kiệt sức từng ngày. Bà kể, vài tháng đầu gần như không được ngủ vì không ai trông con thay mình. Sau đó, những người nhà bệnh nhân xung quanh thương cảm đã trông giúp Tú để bà có được vài tiếng nghỉ ngơi mỗi ngày.

Ngày đó, chi phí phẫu thuật, thuốc men lên đến vài trăm triệu đều được thầy cô, bạn bè trong trường quyên góp. Ngôi nhà Tú cũng được xây bằng khoản tiền giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

"Thằng Tú trước và sau khi bị tai nạn nó vẫn là đứa con hiếu thảo. Nếu không có ngày đó thì giờ nó thành tài rồi, tôi cũng đỡ khổ. Dù sao chuyện cũng đã rồi, tôi vẫn nuôi nó đến khi nào mình nằm xuống thì thôi", bà Loan nói trong nước mắt.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) - người từng đứng lớp dạy môn Marketing và có thời gian dài gắn bó với Tú - đánh giá anh là một sinh viên xuất sắc và có tư duy nhạy bén.

 

chang-trai-tung-song-thuc-vat-van-nuoi-giac-mo-hoc-hanh-2

Tiến sĩ Trần Đình Lý (ngoài cùng bên phải) và hai mẹ con anh Tú trong một cuộc gặp gỡ mới đây. Ảnh: Mạnh Tùng.


Ông Lý ấn tượng trong một lần Tú phát biểu trước lãnh đạo một công ty gỗ lớn tại TP Hồ Chí Minh khi trường tổ chức diễn đàn hướng nghiệp. Bằng tài thuyết phục của mình, công ty gỗ đã ký kết với nhà trường một bản ghi nhớ về việc tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp của trường vào làm việc. 

"Dù bị tai nạn rất nặng nhưng mỗi khi có dịp nói chuyện vẫn dễ nhận thấy sự thông minh vốn có của Tú. Câu chuyện buồn của Tú là tấm gương về nghị lực sống cho thế hệ sinh viên trẻ ", ông Lý chia sẻ.