Sự thử thách đối với các giáo viên
Các giáo viên chỉ được rút thăm chọn bài (1 trong 3 bài giảng đã đăng ký) trước ngày khai mạc đúng 02 ngày. Chính vì vậy sẽ không có tình trạng giáo viên học tủ nhằm đảm bảo tính khách quan cũng như sự công bằng, ông Trần Văn Nịch, Vụ trưởng Vụ Giáo viên và Cán bộ quản lý dạy nghề, Phó trưởng ban tổ chức Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc 215 cho biết.
Với việc trình giảng những bài giảng tích hợp, giáo viên không chỉ bị áp lực về mặt thời gian, tiến độ giảng mà còn cần phải có kỹ năng chuyên môn cũng như khả năng sư phạm tốt. Bởi nếu như trước đây, với cách giảng dạy truyền thống, lý thuyết và thực hành sẽ là hai phần thi tách biệt thì đối với một bài giảng tích hợp, giáo viên sẽ phải biết lồng ghép, kết hợp cả hai phần thi này vào một bài giảng trong một thời gian nhất định. Đây sẽ là những thử thách không nhỏ đối với các giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Minh Nga, giáo viên dạy nghề may tham gia Hội giảng đến từ Trung tâm giáo dục – dạy nghề Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Ban đầu tôi khá hồi hộp và lo lắng, tuy nhiên sau đó bản thân nhận thấy người giáo viên phải luôn có sự chủ động, bài giảng thuyết phục với việc nắm kỹ chuyên môn thì sẽ không có gì có thể làm khó mình được”
Bài trình giảng tích hợp bao gồm cả lý thuyết và thực hành
Cùng chung quan điểm này, một giáo viên đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Bài giảng tích hợp sẽ giúp họ thể hiện tốt hơn sự sáng tạo của bản thân trong từng lĩnh vực, từng bài giảng”. Đây vừa là thử thách cũng là sự trải nghiệm với những phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả hơn, tạo ra nguồn lao động có chất lượng, tay nghề cao hơn...
Bện cạnh đó, cũng có không ít giáo viên tham gia Hội giảng chia sẻ, thời gian cho một bài giảng tích hợp từ 45- 60 phút thực sự khiến họ lúng túng, không những vậy, khác với các kỳ Hội giảng trước, việc đánh giá các bài giảng năm nay được thực hiện ngay sau khi giáo viên hoàn thành phần trình giảng. Các thành viên giám khảo cũng cho điểm độc lập vào phiếu đánh giá và niêm phong để đảm bảo được tính khách quan cũng là những yếu tố khiến các giáo viên tham gia trình giảng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Sức hấp dẫn từ những bài trình diễn kỹ năng nghề điêu luyện đỉnh cao
Được biết, có nhiều tiêu chí để đánh giá một bài giảng tham gia Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc 2015, tuy nhiên có 2 tiêu chí quan trọng được quan sát, đánh giá kỹ đó là sự trình diễn, biểu diễn kỹ năng nghề điêu luyện đỉnh cao và khả năng sư phạm.
PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Trưởng ban tổ chức Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc 2015 đánh giá “Chất lượng các bài giảng trong kỳ Hội giảng năm nay cao hơn hẳn so với trước đây và ở mức tương đối đồng đều. Nhiều bài giảng tạo được sự ấn tượng mạnh, có sức lôi cuốn, hấp dẫn về mặt chuyên môn. Đây sẽ là những nhân tố hết sức quan trọng không chỉ cho chính các trường có giáo viên dạy giỏi mà còn cho toàn ngành nhằm nhân rộng trong công tác đào tạo nghề hiện nay.
Các giáo viên đang làm thi tại Hội giảng
Thầy có giỏi thì trò mới giỏi, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để cạnh tranh với các nước trong khu vực, từ đó vươn ra tầm thế giới đòi hỏi công tác đào tạo nghề của Việt Nam phải có những kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm đáp ứng phù hợp với mô hình nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa, chuẩn bị cho quá trình gia nhập thị trường lao động chung ASEAN và đáp ứng các yêu cầu của hệ thống đào tạo nghề quốc tế ngày càng cao…”
Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc 2015, có tổng số 236 giáo viên, thuộc 159 cơ sở dạy nghề trên cả nước tham gia. Trong đó, đoàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là các đoàn có số bài giảng nhiều nhất (10-16 bài), địa phương có bài giảng ít nhất là Hà Nam, Cà Mau và Lâm Đồng.