Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chất lượng lao động nữ - thách thức khi hội nhập

Phụ nữ chiếm 48% lực lượng lao động - đây là một nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt. Cùng với nam giới, phụ nữ là nguồn vốn quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội. Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là có ý nghĩa quan trọng góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

 

 

Trình độ chuyên môn, kỹ thuật – điểm yếu của lao động nữ

Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam: Mặc dù phụ nữ chiếm 48% lực lượng lao động của cả nước, nhưng lao động nữ lại chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 59%). Trong khi lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực lao đông năng suất thấp, mức cải thiện năng suất lao động rất chậm nên thu nhập của người lao động thấp, thấp nhất so với các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Đây có thể coi là thách thức lớn nhất đối với lao động nữ Việt Nam trong việc đảm bảo việc làm hiệu quả, việc làm có năng suất cao khi hội nhập. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động làm các nghề đơn giản cũng rất cao, 37% đối với nam và 44% đối với nữ - cho thấy, trình độ sản xuất của nền kinh tế còn thấp, cung - cầu lao động trình độ thấp vẫn là chủ yếu. Tỷ lệ lao động làm việc dễ bị tổn thương (tự làm, làm việc gia đình, làm việc không có hợp đồng lao động,…) ở Việt Nam cũng rất cao, trên 60%, trong đó tỷ lệ nữ chiếm khoảng 2/3. Số liệu này phản ánh trình độ phát triển thị trường lao động của Việt Nam còn thấp (không có hợp đồng), phụ nữ ít cơ hội hơn so với nam giới.

Đưa ra những khó khăn mà nguồn nhân lực nữ gặp phải, bà Nguyễn Thị Thanh Hoà – nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, trình độ học vấn của phụ nữ Việt Nam còn thấp:  Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo chưa đến 20%, có nghĩa là lao động nữ không có chuyên môn, kỹ thuật chiếm trên 80%, qua đào tạo nghề cũng chủ yếu là ngắn hạn. Các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu lao động là nữ, trình độ học vấn rất thấp, trên 50% là tiểu học và trung học cơ sở. Ở bậc học cao, tỷ lệ nữ còn rất thấp và khảo sát thực tế cho thấy, nhân lực nữ khi tham gia vào thị trường lao động luôn gặp khó khăn trong việc sử dụng, vận hành những phương tiện kỹ thuật, công nghệ và lúng túng khi sử dụng máy vi tính. Lao động nữ có cơ hội việc làm thấp và dễ mất việc làm, chủ yếu làm việc trong khu vực phi chính thức, thu nhập thấp hơn thu nhập bình quân chung của xã hội. Lao động nữ chưa được tiếp cận một cách bình đẳng đến các nguồn lực và cơ hội để học tập nâng cao trình độ nhằm thăng tiến thì rất hạn chế, dễ thành nạn nhân của bạo lực gia đình, buôn bán người, tệ nạn xã hội… “Đây là những thách thức, hạn chế rất lớn đối với lao động nữ của Việt Nam trong hội nhập” – bà Nguyễn Thị Thanh Hoà nhấn mạnh.

Cần có những giải pháp đào tạo nghề hiệu quả, phù hợp



Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, hiện nay, ở nước ta, bình quân cứ 200 người dân thì mới có một doanh nghiệp ( DN). Trong khi đó, tại những nền kinh tế phát triển thì cứ 15 - 20 người dân có một DN, đây là một sự chênh lệch khá lớn. Số DN do nữ làm chủ chỉ đạt 25%, chủ yếu là quy mô nhỏ, chính sách hỗ trợ hạn chế. Bên cạnh đó, những đặc tính về giới, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới trong việc hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh cùng khả năng tiếp cận các nguồn lực.

Để hỗ trợ các DN và lao động nữ chủ động trong thời kỳ hội nhập, hội có rất nhiều việc làm thiết thực cho DN và lao động nữ. Những chương trình, hoạt động hỗ trợ liên quan đến tác động chính sách, đào tạo khởi nghiệp và tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng, hỗ trợ tiếp cận thị trường, hỗ trợ phát triển mạng lưới doanh nhân nữ và các hoạt động dạy nghề cho lao động nữ, phụ nữ nông thôn và các nhóm phụ nữ khác nhau cũng được thực hiện hiệu quả.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để lao động nữ có việc làm bền vững và hiệu quả, trước hết, cần tăng cường hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm để đảm bảo tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề. Cụ thể, phải chú trọng phát triển các hình thức dạy nghề và ngành nghề đào tạo ngắn hạn phù hợp, nhất là liên kết với các doanh nghiệp để dạy nghề và giới thiệu, cung ứng việc làm để tạo đầu ra. Phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ thuộc hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ tại các địa bàn nông thôn; tập trung hướng nghiệp, nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề để lao động nữ có điều kiện thích nghi và hòa nhập với cơ chế thị trường, tăng hiệu quả lao động, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động; đồng thời mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để hỗ trợ việc làm tại chỗ.

 Bên cạnh đó, cần xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách hợp lý có tính đến đặc thù giới tính nữ và thiên chức người mẹ. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khởi nghiệp cần quan tâm vấn đề nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất.