*Năng suất lao động thấp, tiền công không cao
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, năng suất lao động (LĐ)của Việt Nam được cải thiện nhiều trong thời gian qua, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005-2014, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất LĐ của các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, hiện nay năng suất LĐ Việt Nam mới chỉ bằng 1/18 năng suất LĐ của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới năng suất LĐ của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực, là do chất lượng nguồn LĐ thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý.
Biểu đồ việc làm, vị thế việc làm, tỷ lệ thất nghiệp năm 2013-2014.Nguồn: Tổng cục Thống kê và Bộ LĐ-TB&XH.
TS Bùi Sỹ Lợi nhận xét: “Hiện nay, quy mô lực lượng LĐ có xu hướng tăng chậm làm giảm áp lực việc làm, trong khi nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn khôi phục nên tỷ lệ thất nghiệp biến động không nhiều (Hiện nay,các số liệu về lao động, đặc biệt số liệu về thất nghiệp ở Việt Nam thường không có độ tin cậy cao do những bất cập trong thống kê).
Trong khi LĐ thiếu việc làm ở mức cao khoảng 1,2 triệu người, vấn đề đáng lưu ý đối với thị trường LĐ Việt Nam là năng suất LĐ thấp và tiền lương, tiền công không cao”.
Bình luận vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện khoa học Lao động&Xã hội(Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Năm 2014, lực lượng lao động ước đạt 54 triệu người, tăng 761.000 người so với năm 2013.
Tỷ lệ thiếu việc làm có xu hướng tăng vào cuối năm và tăng chủ yếu ở khu vực nông thôn do tính chất mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp. Với đặc thù cầu chất lượng thấp và những ràng buộc về trình độ chuyên môn, kỹ năng để tham gia làm việc không khắt khe, nên người LĐ có thể dễ dàng tham gia thị trường này”.
*Lao động mất việc do doanh nghiệp giải thể nhiều
Năm 2014, tạo việc làm trong nước đạt 1,494 triệu, đạt 98,8% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 2013; xuất khẩu LĐ khoảng 106.000 người. Lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính đến thời điểm 1/1/2015 là 54,48 triệu người, tăng 782.000 người so với cùng thời điểm năm trước(LĐ nam chiếm 51,3%; LĐ nữ chiếm 48.7%).
Số người có việc làm năm 2014 tăng cao hơn so với năm 2013. Mặc dù số việc làm mới nền kinh tế tạo ra lớn hơn năm trước, nhưng đó chỉ là dấu hiệu tích cực về mặt số lượng. Chất lượng việc làm mới vẫn thấp và thiếu bền vững.
Đáng chú ý, số việc làm từ khu vực doanh nghiệp (DN) chưa có sự đột biến về số và chất lượng. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích: “Trong năm 2014, số LĐ bị mất việc làm do DN bị giải thể vẫn rất lớn. Cả nước có 67.823 DN phải ngừng hoạt động.
Số DN mới thành lập là 74.842, lớn hơn số DN giải thể, nhưng số lượng việc làm mới tạo ra có thể thấp hơn số việc làm mất đi. Doanh nghiệp mới thành lập thường tạo ra chỗ làm mới bấp bênh hơn những DN cũ đã có thời gian dài hoạt động ổn định”.
Như vậy, số việc làm mới tạo ra phần lớn vẫn trong khu vực phi chính thức. Năm 2014, LĐ dịch chuyển chậm từ ngành nông nghiệp sang công nghiệp (chỉ 0,2% lao động từ ngành nông nghiệp sang công nghiệp) trong khi LĐ ngành dịch vụ giữ nguyên. Lao động làm công ăn lương vẫn chỉ chiếm số lượng thấp và gần như không thay đổi so với năm 2013, chiếm khoảng 35% lực lượng LĐ.
Còn lại trong nền kinh tế hầu hết là LĐ tự làm và làm nghề giúp việc gia đình. Trong dài hạn, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp như hiện nay là yếu tố không tích cực. Người LĐ sẽ ít có động lực nâng cao trình độ và kỹ năng do không có nhiều áp lực về các tiêu chuẩn cần phải trang bị nhằm cạnh tranh khi đi tìm việc.
“Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập giảm sút của người lao động sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, nếu không có những giải pháp đối phó hiệu quả sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. Đặc biệt, hiện nay khu vực nông nghiệp, nông thôn không còn là “bà đỡ” có thể hấp thụ được số lượng người mất việc làm ở thành phố trở về thì nguy cơ bất ổn xã hội càng hiện hữu.”-TS Bùi Sỹ Lợi cảnh báo.