"Mọi thứ đều trong tầm kiểm soát", một quan chức Ủy ban châu Âu (EU) nói trong cuộc họp kín với các nhà ngoại giao từ các quốc gia thành viên ngày 5/2, hai tuần sau khi Trung Quốc áp vòng kiềm tỏa với 60 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc, gần bằng dân số Italy. Họ tin rằng hệ thống y tế các nước thành viên đều đã sẵn sàng ứng phó với Covid-19 và không cần phải đặt mua thêm vật tư y tế, tài liệu của EU cho thấy.
Nhưng đánh giá "màu hồng" này hoàn toàn trái ngược với tình trạng thiếu hụt khẩu trang và thiết bị y tế chỉ vài tuần sau đó, khi EU ước tính nhu cầu của các quốc gia thành viên gấp 10 lần nguồn cung thông thường.
Bác sĩ rời khỏi một lều chăm sóc đặc biệt của bệnh viện dã chiến tại Lombardy, Italy ngày 2/4. Ảnh: AFP.
Các tài liệu nội bộ và công khai mà Reuters được tiếp cận cho thấy chính phủ các nước EU có thể đã "tự bắn vào chân mình" vì đánh giá quá cao năng lực đối phó với Covid-19 của họ.
"Các quốc gia thành viên có sự chuẩn bị kỹ càng, hầu hết đều có biện pháp để phát hiện và đối phó Covid-19", quan chức EU nói tại Brussels, theo biên bản cuộc họp hôm 5/2. Cuộc họp diễn ra hai tuần trước khi Italy ghi nhận ca tử vong vì nCoV đầu tiên. Hiện giờ, Italy báo cáo hơn 115.000 ca nhiễm và gần 14.000 người tử vong. Số ca nhiễm ở Tây Ban Nha và Đức đều đã vượt Trung Quốc đại lục.
Khi được hỏi liệu các tài liệu này có cho thấy phản ứng của châu Âu quá chậm hay không, một phát ngôn viên EU cho biết: "Từ tháng một, ủy ban đã gợi ý hỗ trợ các quốc gia thành viên".
Đến tháng 3, các nước EU mới bắt đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình, nhưng thay vì tập trung vào hành động chung, nhiều nước đã dùng các biện pháp bảo hộ, dựng lên các rào cản thương mại để chặn xuất khẩu vật tư y tế sang nước láng giềng.
Italy cần 90 triệu khẩu trang cho nhân viên y tế mỗi tháng, nhưng họ mới chỉ có phần nhỏ số đó. Pháp tuần trước đặt hàng hơn một tỷ khẩu trang và các nhà sản xuất đang điều chỉnh dây chuyền để chế tạo máy thở.
Đánh giá quá lạc quan mà quan chức EU đưa ra hôm 5/2 xuất phát từ một loạt cuộc họp với chuyên gia y tế từ các quốc gia thành viên.
Trong cuộc họp ngày 31/1, đại biểu từ Bộ Y tế các nước nói với EU rằng họ không cần hỗ trợ thêm thiết bị y tế. "Không quốc gia nào yêu cầu hỗ trợ thêm biện pháp đối phó", biên bản họp có đoạn viết. Chỉ 4 quốc gia cảnh báo họ có thể thiếu đồ bảo hộ nếu tình hình xấu đi ở châu Âu, nhưng 4 nước này không được nêu tên.
Ngày 28/2, một tháng sau lời đề nghị giúp đỡ đầu tiên và sau khi thúc giục các chính phủ làm rõ nhu cầu trong ít nhất hai cuộc họp nữa, Ủy ban Châu Âu khởi xướng chương trình mua sắm chung khẩu trang và đồ bảo hộ khác. Chưa có hợp đồng nào được ký kết.
Các nước nói với EU rằng nhân viên y tế của họ được chỉ dẫn rất rõ về cách xử lý bệnh nhân Covid-19, mặc dù Italy chỉ yêu cầu nhân viên y tế đeo khẩu trang khi tiếp nhận các trường hợp nghi nhiễm từ ngày 24/2. Tính đến 2/4, gần 10.000 y bác sĩ nước này nhiễm nCoV, chiếm hơn 9% số ca nhiễm toàn quốc.
Tại một cuộc họp của EU ngày 4/2, chuyên gia y tế các nước cho biết: "Chúng tôi đủ năng lực chẩn đoán bệnh, một số quốc gia đã bắt đầu triển khai xét nghiệm". Nhưng giờ đây, EU đang đối mặt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng kit xét nghiệm và đã khởi động chương trình mua sắm chung ngày 18/3.
Ngày 13/3, các chuyên gia y tế EU mới lần đầu tiên đề cập sự cần thiết phải cùng mua máy thở cho những bệnh nhân nguy kịch. Chương trình mua sắm máy thở được EU khởi động ngày 17/3.
Hồi giữa tháng hai, dựa vào đánh giá của từng quốc gia thành viên, cơ quan kiểm soát dịch bệnh EU nhận định nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải ở mức "thấp đến trung bình". Một tháng sau, họ cập nhật đánh giá, nói rằng không quốc gia nào đủ giường chăm sóc đặc biệt đến giữa tháng 4.
Giới chuyên gia cho rằng việc thiếu kinh nghiệm đối phó dịch bệnh và sự chủ quan trong đoạn đầu là những nguyên nhân khiến châu Âu, vốn có hệ thống y tế hàng đầu thế giới, chật vật trước Covid-19.
Stacey Mearns, thuộc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, cho biết vài tuần trước, không ai tưởng tượng nổi tình cảnh tuyệt vọng đang diễn ra trên khắp châu Âu - các bác sĩ và y tá cầu xin đồ bảo hộ, sân trượt băng biến thành nhà xác tạm thời. Ở Tây Ban Nha, 14% người nhiễm là nhân viên y tế, càng làm thiếu hụt nguồn lực vào thời điểm quan trọng.
"Các nước châu Âu đã tính toán sai khả năng ngăn chặn nCoV", Mearns nói. "Nhưng dẫu sao đây cũng là bệnh mới và tốc độ lây lan của nó gây bất ngờ".
Theo Phương Vũ (Vnexpress.net/Reuters/AP)