Nghị viện châu Âu ngày 17.4 đã bỏ phiếu thông qua với 308 phiếu thuận, 204 chống và 70 phiếu trắng đối với dự luật nhằm chống lại hành vi lợi dụng mạng xã hội “vì mục đích khủng bố”, theo Reuters.
“Các công ty mạng xã hội không gỡ bỏ nội dung độc hại, mang tính cực đoan trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông báo từ cơ quan chức năng sẽ bị phạt với mức cao nhất là 4% doanh thu toàn cầu”, theo thông báo của Nghị viện châu Âu.
Nghị viện châu Âu mới, sẽ được bầu chọn trong giai đoạn 23-26.5, sẽ hoàn thiện luật kể trên trước khi bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ phải mất nhiều tháng vì Nghị viện châu Âu phải tiếp tục thảo luận với Ủy ban châu Âu và đại diện các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Ảnh minh họa
Ông Daniel Dalton, người soạn thảo dự luật, cho biết: “Vấn đề nội dung cực đoan tràn lan trên internet đã không được kiểm soát trong khoảng thời gian quá dài. Luật mới phù hợp với thực tế, vẫn đảm bảo tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, một số quan chức EU lo ngại luật mới bị lạm dụng, dẫn đến đe dọa tự ngôn luận, kiểm duyệt nội dung trên internet.
Châu Âu có biện pháp này sau khi tay súng Úc phát trực tiếp trên mạng xã hội cảnh y xả súng giết chết 50 người tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Chirstchurch (New Zealand) hôm 15.4.
Sau vụ thảm sát Chirstchurch, một số quốc gia tăng cường biện pháp quản lý mạng xã hội.
Chẳng hạn, chính phủ Anh hôm 8.4 tuyên bố sẽ triển khai nhiều biện pháp ràng buộc cá nhân các lãnh đạo công ty mạng xã hội phải chịu trách nhiệm pháp lý về thông tin độc hại.
Trước đó, quốc hội Úc ngày 4.4 thông qua luật mới cho phép chính quyền nước này phạt những công ty vận hành các nền tảng mạng xã hội số tiền lên đến 10% doanh thu toàn cầu hằng năm của họ nếu không xóa nội dung bạo lực.