Trẻ hiếu thắng vì tâm lý chuộng thành tích
Mong muốn con có thành tích vượt trội, nhiều cha mẹ thường cho rằng tính hiếu thắng của con mình là mong muốn thành tích, tạo được bứt phá khi còn nhỏ. Với một số cha mẹ, con mình làm điều gì cũng hay, cũng giỏi. Ðây là hiện tượng tâm lý bình thường, tuy nhiên, về lâu dài có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt, dễ sinh tính hiếu thắng, tự cao và trẻ quá ảo tưởng khả năng của mình.
Từ nhỏ, bé Tôm luôn thích được khen, làm việc gì cũng muốn hơn và thắng bạn bè. Ði học, Tôm luôn phấn đấu để đứng đầu lớp, thậm chí đầu khối ở tất cả môn học. Sau mỗi buổi học, Tôm thường kể với bố mẹ rằng mình được cô khen vì thông minh và có tư duy tốt. Cậu bé thỏa mãn với thành tích mình đạt được và cũng không quên thể hiện thái độ chê bai những bạn chưa xuất sắc trong lớp. Ban đầu, chị Ngân - mẹ bé Tôm thấy vui vì con mình biết phấn đấu. Chị rất “mát mặt” mỗi khi họp phụ huynh, con luôn được thầy cô lấy làm gương cho các bạn. Tuy nhiên, chị dần nhận ra con trai có tính hiếu thắng thái quá.
Từ đó, vợ chồng chị Ngân đã thay đổi cách giáo dục con. Thay vì lúc nào cũng bắt con phải đạt thành tích cao, phải dẫn đầu, anh chị dần giúp con trai thấy được, nếu quá hiếu thắng sẽ đẩy tình trạng đua tranh đi xa và không có điểm dừng. Mọi thứ sẽ trở thành cuộc tranh đua và mục tiêu duy nhất chỉ là chiến thắng. Ðiều này sẽ khiến con mệt mỏi, căng thẳng và dần bị bạn bè xa lánh.
Trong cách giáo dục của cha mẹ, nhiều người chỉ đề cao việc khen thưởng khi con thắng và trách phạt khi thua. Nếu phụ huynh tỏ ra kỳ vọng vào con, đặt trẻ vào những tình huống phải cố vượt trội hơn những đứa trẻ khác sẽ khiến trẻ chỉ biết nghĩ đến thắng lợi, không dám đối mặt với khó khăn, thất bại. Thực tế, không ít cha mẹ bắt con phấn đấu bằng mọi giá để bù đắp những hi vọng và ước mơ không thành trước đây của mình. Ðiều này khiến trẻ hình thành thói quen buộc phải giỏi, phải thắng để không phụ lòng cha mẹ. Lối suy nghĩ đó kéo dài sẽ biến trẻ thành người quá tham vọng và trẻ luôn phải sống trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng, sợ thua người khác.
Cha mẹ hãy thay đổi việc gán nhãn tương lai hay kết luận về nhân cách trẻ bằng điểm số hoặc thành tích. Hãy chỉ tập trung phê bình hành vi thay vì đứa trẻ. Hãy để cho trẻ thấy mọi sai lầm hay thất bại của con là một cơ hội để học tập, phát triển bản thân và không mắc lại nó trong tương lai. Thậm chí, cha mẹ nên khuyến khích con trải nghiệm sớm thất bại để có thể vững vàng hơn khi trưởng thành", PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Dạy trẻ bại không nản
Khen ngợi, động viên những nỗ lực của con nhưng cha mẹ cũng đừng quên giúp con biết đối diện với thất bại. Khi thất bại hay không đạt được kết quả mong muốn, trẻ hiếu thắng sẽ ủ rũ, bực tức, thậm chí luôn tự trách bản thân. Hãy luôn ở bên, động viên trẻ rằng cha mẹ yêu con bởi chính những giá trị, bản chất của con, kể cả khi con không có những điểm mạnh bằng các bạn, nhưng con trung thực, biết quan tâm đến mọi người, thì đó cũng chính là điểm mạnh. Cha mẹ giúp con biết chấp nhận thất bại để trẻ không tự làm đau mình và cố gắng vươn lên hoàn thiện hơn trong tương lai.
Ðể rèn cho trẻ tính “chịu thua”, cha mẹ tuyệt đối không chê trách, chỉ trích con về điểm số và thất bại. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, nếu không phê phán thì con sẽ không có chí tiến thủ. Tuy nhiên, với những đứa trẻ hiếu thắng, việc làm này sẽ khiến con thêm ức chế, khó chịu và có thể sẽ tạo ra một vài tính xấu cho trẻ như: nói dối để che giấu thất bại, không chịu thừa nhận thất bại, ghen tị với bạn bè, đổ lỗi cho người khác, nói xấu thầy cô, trách móc cha mẹ... Những khi con thất bại, để trẻ có động lực phấn đấu tiếp, cha mẹ cần động viên con, việc không đạt được kết quả như mong đợi không có nghĩa là con mất hết cơ hội, điều quan trọng là con đã quyết tâm và phấn đấu hết mình.
Ai cũng muốn con thành công, nhưng khi cha mẹ đặt cho con những tiêu chuẩn thì phải tùy thuộc vào khả năng của con và nên nhớ rằng nó phải vừa sức với con. Như vậy, trẻ sẽ làm được mọi việc một cách dễ dàng hơn. Và khi con đạt được kết quả, cha mẹ chỉ cần ghi nhận bằng lời khen là đủ, đừng tâng bốc trẻ quá mức.
Ðể chế ngự tính hiếu thắng của trẻ, điều quan trọng là cha mẹ phải giúp trẻ thấy được đâu là điều có ý nghĩa đích thực trong cuộc sống, khéo léo truyền đạt cho trẻ nhận thấy cha mẹ thương yêu con không chỉ vì những thành tích con đạt được. Hướng trẻ vào khả năng tự nhiên, giúp trẻ thấy thiên hướng của bản thân và cố gắng phát huy nó. Từ đó, trẻ sẽ tự tin hơn với những sở trường của mình và trân quý những gì mình có.
Tính hiếu thắng được cho là động lực giúp trẻ nỗ lực không ngừng trong mọi việc. Tuy nhiên, nỗi lo không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ có thể là nguyên nhân khiến nhiều trẻ trở nên hiếu thắng thái quá...