Trong những ngày qua, tại nhiều cơ sở y tế đã tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân đến điều trị trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng chỉ vì những thói quen ăn, uống nguy hại. Mặc dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng đã có trường hợp gia đình phải xin về... Từ thực tế này, cơ quan quản lý cũng như các bác sĩ đã tiếp tục khuyến cáo người dân hãy biết bảo vệ sức khỏe của mình, không vì những món ăn “khoái khẩu”, vì chén rượu mà rước họa vào thân...
Mất mạng vì món ăn “khoái khẩu”: tiết canh
Mặc dù Bộ Y tế và các phương tiện thông tin đại chúng đã tích cực tuyên truyền về tác hại khôn lường của thói quen sử dụng món ăn “khoái khẩu” tiết canh của nhiều người, thế nhưng tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, mấy ngày qua, BV đã tiếp nhận đến 3 trường hợp mắc liên cầu lợn vì ăn tất niên tiết canh, trong đó có một trường hợp bệnh nhân gia đình xin về.
Cấp cứu và điều trị một trường hợp bị nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh.
Theo thông tin của BS. Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TW) cho biết, bệnh nhân 63 tuổi, ở Nam Định nhập viện sáng mùng 2 Tết trong tình trạng sốt, tiêu chảy, xuất huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng và gia đình xin về sau gần 1 ngày nằm viện.
Trước đó, ngày 30 Tết bệnh nhân này ăn tiết canh, uống rượu. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy, xuất hiện các ban hoại tử trên da, được gia đình đưa vào BVĐK Nam Định, rồi chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới TW.
Hai trường hợp còn lại đều là thanh niên 37 tuổi ở Ninh Bình và Bắc Ninh lần lượt được chuyển đến BV mới đây trong tình trạng hôn mê, viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Họ đều ăn tiết canh vào ngày cuối năm, 28 và 29 Tết. Hiện tình trạng bệnh cả hai bệnh nhân đã được khống chế. Tuy nhiên, BS. Cấp cho biết, để điều trị ổn định họ sẽ phải nằm viện cả tháng, với chi phí điều trị vài chục triệu nếu không có bảo hiểm y tế.
Suy thận vì uống rượu mật cá trắm để bồi bổ sức khỏe
BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, ngày mùng 4 Tết, bệnh nhân Lê Đình Đ. (58 tuổi ở Thanh Liêm, Hà Nam) đã phải vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc vì ngộ độc mật cá trắm đen. Gia đình bệnh nhân Đ. cho biết, bệnh nhân này đã dùng mật cá trắm đen pha vào rượu uống để bồi bổ sức khỏe.
Tuy nhiên, sau khi uống rượu mật cá được khoảng 7 giờ đồng hồ, ông Đ. có biểu hiện đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít, nhưng vì ngày Tết nên ông Đ. cố chịu đau gần 4 ngày ở nhà vì “kiêng kỵ” đầu năm không đến viện. Đến khi đau quá không chịu được, ông Đ. mới đến Trung tâm Chống độc. Vừa vào viện, ông Đ. đã phải chạy thận cấp cứu vì suy thận.
Cấp cứu một ca ngộ độc rượu. Ảnh: Trần Minh.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, nếu bệnh nhân Đ. đến bệnh viện muộn hơn và không được chạy thận lọc độc thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí có thể tử vong.
Về việc sử dụng mật cá trắm để chữa bệnh của nhiều người, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay đang có hiện tượng người dân sử dụng mật cá trắm để điều trị nhiều loại bệnh như nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay... dưới hình thức nuốt sống trực tiếp hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.