Dựa trên số lượng người dùng để phân loại mạng xã hội
Theo đó, việc cấp phép và quản lý mạng xã hội tuân thủ theo quy định sau: Tổ chức, doanh nghiệp chỉ được hoạt động mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập mạng xã hội (đối với mạng xã hội có lượng tương tác lớn) hoặc đã thông báo bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản (đối với mạng xã hội có lượng tương tác thấp).
Về phân loại mạng xã hội, Bộ TT&TT dự kiến dựa trên só lượng người dùng. Mạng xã hội có lượng tương tác lớn là mạng xã hội có lượng người sử dụng tương tác từ 1 triệu người/tháng trở lên, hoặc có người sử dụng đã đăng ký sử dụng thường xuyên từ 10.000 người/tháng trở lên và phải có Giấy phép thiết lập mạng xã hội do Bộ TT&TT cấp.
Mạng xã hội có lượng tương tác thấp có lượng người sử dụng tương tác dưới 1 triệu người/tháng và phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động với Bộ TT&TT.
Để thực hiện phân loại, Bộ TT&TT sẽ gắn công cụ đo trên mạng xã hội có lượng tương tác thấp và mạng xã hội có lượng tương tác lớn để theo dõi lượng người sử dụng tương tác thường xuyên. Sau đó, Bộ sẽ rà soát và có văn bản thông báo yêu cầu phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định.
Bộ TT&TT cũng đưa ra các điều kiện cần thiết để tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội. Giấy phép này có thời hạn theo đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 10 năm. Bộ TT&TT cấp phép thiết lập mạng xã hội có lượng tương tác lớn. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp cho cơ quan báo chí, cơ quan ngoại giao và lãnh sự, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc Trung ương, tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; tổ chức Chính phủ và phi chính phủ nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; Sở TT&TT và các cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ TT&TT; Cấp xác nhận thông báo đối với mạng xã hội có lượng tương tác thấp.
Doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội phải có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam
Đặc biệt, dự thảo Nghị định cũng yêu cầu, chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới có quyền: Thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức; Cung cấp dịch vụ livestream. Đây là điểm rất mới so với hoạt động của các mạng xã hội hiện nay, việc livestream được thực hiện tự do.
Mạng xã hội đa dịch vụ khi cung cấp dịch vụ khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành;
Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành nếu thiết lập mạng xã hội phải thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản (đối với mạng xã hội có lượng tương tác thấp) hoặc phải có giấy phép thiết lập mạng xã hội nếu là mạng xã hội có lượng tương tác lớn.
Đáng chú ý, về nhân sự của mạng xã hội, dự thảo Nghị định sửa đổi cũng yêu cầu nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin là người có quốc tịch Việt Nam và có kinh nghiệm quản lý báo chí/có bằng đại học chuyên ngành báo chí).
Doanh nghiệp muốn thiết lập mạng xã hội phải có ít nhất 1 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ TT&TT; Đồng thời, phải bảo đảm chỉ những người sử dụng đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định mới được tương tác trên mạng xã hội.
Bộ TT&TT cho biết, đến hết tháng 12/2019 có 614 mạng xã hội được cấp phép. Tuy nhiên số lượng mạng có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chiếm dưới 10%. Trong khi số lượng người Việt Nam sử dụng mạng Facebook là khoảng gần 60 triệu và Youtube là gần 35 triệu. Ngoài ra, tình trạng "báo hóa" mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, lợi dụng giấy phép mạng xã hội để cung cấp đa dịch vụ chuyên ngành trên cùng một nền tảng mạng xã hội như dịch vụ truyền hình, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến... gây khó khăn cho công tác quản lý các dịch vụ chuyên ngành.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới điển hình là Facebook và Google đang gây tác động mạnh mẽ đối với xã hội Việt Nam nhưng gần như chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.