Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chỉ số hạnh phúc - Khát vọng đang dần hiện thực

Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu:“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội, là khát vọng phát triển của đất nước…

Nụ cười hạnh phúc của người dân.

Nụ cười hạnh phúc của người dân.

Hạnh phúc của người dân

Thực hiện mục tiêu vì dân thụ hưởng, vì cuộc sống hạnh phúc của người dân từ khi đất nước đổi mới đến nay trong kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam không chỉ có mục tiêu tăng trưởng, mà bên cạnh đó, chúng ta còn đặt ra một loạt mục tiêu trong hệ thống chính sách an sinh nhằm chăm lo toàn diện cho cuộc sống của người dân để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội (ASXH) đồng bộ. Đặc biệt khi người dân gặp biến cố về thiên tai, dịch bệnh, các chính sách đã thực sự làm an lòng dân, để người dân đồng lòng vượt qua khó khăn.

Đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 cho thấy, hệ thống chính sách xã hội cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận được các tiêu chí quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và ASXH.

Năm 2022, sau 2 năm cả nước phải chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với những quyết sách kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển, tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, các chính sách ASXH được thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chính sách ưu đãi người có công, trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội, giảm nghèo; đời sống người có công với cách mạng, người nghèo không ngừng được nâng lên, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác được chăm lo chu đáo. Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, đem lại hiệu quả lớn.

Báo cáo hạnh phúc thế giới (World Happiness Report-WHR) năm 2023 công bố ngày 20/3/2023 cho thấy chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 trong năm 2023. Các tiêu chí được đánh giá gồm: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng.

Trong 3 năm (2020 - 2022), thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho hơn 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và hơn 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ hơn 45 nghìn tỷ đồng, Nghị quyết số 03 và Nghị quyết số 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hơn 41 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ hơn 3,7 nghìn tỷ đồng.

Thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 là 7,0 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý IV/2022 và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng). Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2023 là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số hạnh phúc tăng 12 bậc

Chăm lo đời sống người lao động.

Chăm lo đời sống người lao động.

Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công dân. Đảng cũng luôn đặt quyền lợi của nhân dân vào trung tâm các quyết sách, đường lối, với mục đích tối thượng là người dân được thụ hưởng mọi thành quả của sự phát triển đất nước. Điều đó được thể hiện qua hàng loạt con số biết nói: Năm 2021, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,703, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Báo cáo hạnh phúc thế giới (World Happiness Report-WHR) năm 2023 công bố ngày 20/3/2023 cho thấy, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 trong năm 2023. Các tiêu chí được đánh giá gồm: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng.

Cùng với đó, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Chỉ số bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vào năm 2021, đạt 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia. Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều và hoàn thành trước 10 năm mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo. Mức sống tăng lên, sức khỏe của người dân được cải thiện, nên tuổi thọ tăng qua các năm, chỉ số sức khỏe cả nước tăng từ 0,822 (năm 2016) lên 0,826 (năm 2020). Chỉ số giáo dục của Việt Nam là 0,618 năm 2016 và 0,640 năm 2020. Chỉ số thu nhập là 0,624 vào năm 2016 và 0,664 vào năm 2020. Như vậy có thể thấy, mặc dù là nước đang phát triển có xuất phát điểm thấp, nhưng các chỉ số cơ bản cho quyền lợi và sự thụ hưởng của người dân tại Việt Nam đều tăng dần qua từng năm, cho thấy đời sống của người dân Việt Nam đang đi lên một cách bền vững.

Theo tạp chí thương mại hàng đầu thế giới CEOWORLD (Mỹ), chất lượng sống của Việt Nam được cải thiện đáng kể. CEOWORLD đánh giá, Việt Nam có tổng số điểm là 78,49 và xếp hạng 62/165 quốc gia vào năm 2021. Thứ hạng chỉ số chất lượng sống được CEOWORLD dựa trên nhiều tiêu chí như: Chi phí sống; sự ổn định kinh tế, chính trị; môi trường làm việc; bình đẳng thu nhập; hệ thống giáo dục; y tế...

PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, nếu coi hạnh phúc đối với mỗi người trước hết là những quyền dân sinh cơ bản như ăn, mặc, ở, học hành thì ngay từ khi thành lập, hạnh phúc của nhân dân đã trở thành lý tưởng phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hạnh phúc của nhân dân cũng là những chính sách đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay khi ra đời. Từ những quyết sách quan trọng và quyết tâm to lớn đó, nhân dân Việt Nam không chỉ được sống trong bầu không khí của độc lập và tự do mà còn được thụ hưởng hạnh phúc thật sự. Trong xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội không chỉ có mục tiêu tăng trưởng, mà bên cạnh đó, chúng ta còn đặt ra một loạt mục tiêu khác để giải quyết như: Thất nghiệp, công ăn việc làm, hay mục tiêu về y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường... Bây giờ chúng ta khái quát lên và đưa thành mục tiêu hạnh phúc của nhân dân. Khi đó, hạnh phúc gắn liền với các thỏa mãn về vật chất lẫn tinh thần của con người.

TS Phùng Mạnh Cường, Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Kinh tế Chính trị học Mác-Lênin (Học viện Chính trị) khẳng định, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng phát triển kinh tế vì mục tiêu con người, thực hiện nhất quán quan điểm gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế vì con người, xây dựng thiết chế chính trị, hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý đất nước, xã hội, mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Vì vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Mỗi một người dân Việt Nam đang hằng ngày, hằng giờ được thụ hưởng môi trường hòa bình, ổn định, yên tâm lao động sản xuất và thừa hưởng chính thành quả đó. Trong xu thế đi lên của đất nước, ai cũng được tạo cơ hội phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai đời sống còn khó khăn, Đảng, Nhà nước có chính sách an sinh xã hội, toàn xã hội chung tay giúp đỡ.