Đây là khẳng định trong báo cáo Thực trạng thu phí và những giải pháp để tránh thất thu đối với các dự án BOT đường bộ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra mới đây.
Xung đột lên cao khi người dân phản đối chủ đầu tư BOT tại trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang trả tiền lẻ, để tiền trong chai nhựa (ảnh minh hoạ)
Theo Bộ KH&ĐT, về bản chất, với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nhà đầu tư tiến hành xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, thực trạng công tác thu phí hoàn vốn thời gian qua còn nhiều bất cập, thiếu sót và chưa hoàn thiện, mức thu phí cao gây bức xúc dư luận… Điều này có thể dẫn đến bóp méo, làm sai lệch chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển hạ tầng giao thông.
Bộ KH&ĐT đã tiến hành thanh tra 11 dự án BOT trên quốc lộ 1A thời gian qua và quá trình này đã chỉ ra những bất cập, thiếu sót trong công tác thu phí hoàn vốn này, cụ thể:
Về vị trí trạm thu phí, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí. Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua.
Người dân đã đóng thuế và Nhà nước có nghĩa vụ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân. Những tuyến đường độc đạo này trước đây được xây dựng dựa trên tiền thuế của người dân; được duy tu, bảo dưỡng dựa trên tiền phí của người dân (qua Quỹ bảo trì đường bộ).
Tuy nhiên, bây giờ, nhà đầu tư vào lập dự án BOT (một số đoạn chỉ là thảm lại bề mặt) và thu phí, lập luận rằng nhà đầu tư đang bán phần giá trị gia tăng nhưng thực chất là đã tước đoạt đi quyền sử dụng của người dân đối với một tiện ích vốn thuộc về họ.
Về khoảng cách giữa các trạm thu phí, Bộ KH&ĐT dẫn nguồn của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tính trên hệ thống các tuyến quốc lộ, có tới 32 trên tổng số 88 trạm thu phí (tương đương 36%) không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km. Dù theo Thông tư 159/2013/TT-BTC, trường hợp đặc biệt có thể bố trí khoảng cách giữa các trạm nhỏ hơn 70 km khi Bộ GTVT thống nhất với tỉnh và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc có quá nhiều trường hợp “đặc biệt” được chấp thuận đang khiến mật độ trạm thu phí trở nên dày đặc và ngột ngạt.
Về hình thức thu phí, hầu hết các dự án BOT không phải xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều giao cắt đồng mức. Do đó, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường thực đi). Hình thức thu phí hở này vừa không đảm bảo kiểm soát được lưu lượng thực tế, vừa gây khó khăn cho địa phương nơi trạm thu phí được lắp đặt.
Trên thực tế, người dân sống gần trạm thu phí là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do họ có xu hướng bị nộp phí nhiều hơn và gánh chịu chi phí hàng hóa đắt đỏ hơn. Vì vậy, cần có giải pháp đối với người dân địa phương sống gần trạm thu phí để tránh những bức xúc như hiện nay.
Về thời gian thu phí, các thông số như thời gian thu phí và giá vé được nêu trong Thông tư riêng cho từng dự án được tính toán dựa trên tổng mức đầu tư được phê duyệt tại bước lập dự án đầu tư.
Tuy nhiên, tổng mức đầu tư là khái toán, thường có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị quyết toán vốn đầu tư dẫn đến thời gian thu phí quy định trong hợp đồng BOT thường dài hơn nhiều so với thực tế.
Về hệ thống thiết bị, phần mềm thu phí, tất cả các trạm thu phí đều là một dừng và phần lớn trong số đó xé vé bằng tay, chỉ có số ít trạm thu phí có kết hợp sử dụng thẻ từ. Việc xé vé bằng tay tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát doanh thu thu phí khi hoặc với sự vô tình giúp sức từ chính những khách hàng không lấy cuống vé, hoặc với sự thông đồng giữa nhân viên thu phí và khách hàng về thỏa thuận một mức phí thấp hơn quy định nếu không lấy cuống vé.