Họp Ban chỉ đạo phòng chông dịch bệnh Covid – 19 tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 25/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cảnh báo, đây là thời điểm mà nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng sẽ rất cao. Vì vậy ngoài các dịch vụ, khu giải trí đã có chỉ đạo tạm đóng cửa, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ tập trung đông người khác, như: hàng ăn, quán cà phê, các điểm mua sắm cần được giám sát chặt chẽ, khuyến cáo người dân nên hạn chế đến các địa điểm này, khuyến khích việc mua bán hàng online, ship hàng tận nhà.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng giao ngành y tế và Bệnh viện Trung ương Huế khẩn trương chỉ đạo mua trang thiết bị, vật tư, kit thử, sinh phẩm chẩn đoán… bảo đảm năng lực xét nghiệm từ 200-300 mẫu/ngày. Mặt khác, tập trung tăng cường thêm lực lượng nhằm xét nghiệm nhanh, chính xác các trường hợp tại các khu cách ly tập trung, trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh, nghi mắc bệnh trong cộng đồng để cách ly kịp thời. Quá trình xét nghiệm tránh nhầm lẫn, bỏ sót người được lấy mẫu; số hóa khoa học số lượng này.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã hoàn chỉnh 5- 7 khu cách ly tập trung, đảm bảo cách ly 4.000 người, đề nghị "bộ khung" hoạt động tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả.
Ông Thọ yêu cầu Sở Giao thông Vận tải triển khai huy động các phương tiện vận chuyển công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về về các địa điểm cách ly y tế của tỉnh theo kế hoạch thống nhất với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đảm bảo an toàn về y tế cho người điều khiển phương tiện và cán bộ đi trên phương tiện; đảm bảo chủ động, chu đáo, an toàn. Đảm bảo an toàn cho công chức, viên chức ngành y tế đang làm việc trực tiếp tại các khu cách ly, khu điều trị, hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo.
Về việc triển khai y tế toàn dân, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng cần làm ráo riết trong vòng 1 tháng. Đây là cơ sở để kiểm đếm các đối tượng tạm trú, tạm vắng trên địa bàn, là dịp để đồng bộ việc kê khai y tế toàn dân. Đề nghị các địa phương huy động các lực lượng thực hiện đồng bộ việc kê khai y tế, "rà từng ngõ, gõ từng nhà", hoàn thành việc kê khai trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu Bảo hiểm Xã hội tỉnh thực hiện phương án cấp phát lương hưu và các khoản trợ cấp hàng tháng đến từng hộ gia đình nhằm hạn chế những người cao tuổi ra đường, tập trung đông người khi nhận lương hưu và các khoản trợ cấp hàng tháng. Thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6/2020, sau đó báo cáo UBND tỉnh để được chỉ đạo thực hiện.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các xã, phường, thị trấn cung cấp đầy đủ địa chỉ của những người hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng trên địa bàn về cơ quan Bảo hiểm Xã hội cấp huyện để thực hiện chi trả tại nhà.
Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có trên 31.000 đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Đây là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao cần phải được nhà nước bảo vệ.
Liên quan đến đối tượng người cao tuổi, người bị bệnh mạn tính như tiểu đường, hen suyễn hay cao huyết áp... cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh nhất khi đến những nơi đông người. Do đó, cần "điện thoại, thăm khám và phát thuốc về tận nhà cho bệnh nhân cao tuổi, người bị bệnh mãn tính đang điều trị ngoại trú là phương án tối ưu nhất trong tình hình hiện nay", ông Thọ đề nghị.