Cứ đầu mỗi tháng, các điểm chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội của bưu điện địa phương nào cũng đông đúc, nhưng rất dễ nhận thấy là ở đó không hề thấy có sự chen chúc lộn xộn. Chỉ có thể bắt gặp những gương mặt phấn khởi, vui vẻ của các cụ hưu trí và những người được nhận trợ cấp, thấy sự chuyên nghiệp, thân thiện của các cô nhân viên bưu điện mặc đồng phục. Lát một, những tiếng gọi ngọt ngào nhẹ nhàng cất lên từ loa phóng thanh: Con mời cô/bác... ! Trật tự và nhanh chóng, từng cụ đến lượt vui vẻ lên nhận tiền.
Gần đây, ngoài việc chi trả lương hưu, Bưu điện cũng đã vươn dài cánh tay sang lĩnh vực chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội và người có công.
Mẫu sổ lĩnh tiền trợ cấp của Tcty Bưu điện Việt Nam
*Hoàn thiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH
Năm 2011, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) phối hợp với BHXH Việt Nam thực hiện thí điểm công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại 12 Bưu điện tỉnh, thành phố. Tháng 4/2013, Chính phủ chính thức cho phép VNPost và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp triển khai, mở rộng công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua Bưu điện trên phạm vi toàn quốc.
Không phải không có những khó khăn, sự phối kết hợp giữa hai ngành BHXH và Bưu điện không phải lúc nào cũng nhịp nhàng vui vẻ. Nhiều câu chuyện phía sau đó phải cùng nhau giải quyết, tháo gỡ, như các vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ cũng như giải tỏa cả các vấn đề về thói quen, tâm lý... rồi mọi việc cũng đi vào ổn định và hai bên đã cùng nhau nỗ lực đem lại dịch vụ tốt nhất cho người thụ hưởng chính sách.
Chi trả trợ cấp xã hội tại phường Phú Trinh, TP Phan Thiết, Bình Thuận
Đến nay, công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố. Tổng số điểm chi trả cơ quan bưu điện thực hiện là 14.426 điểm, số người hưởng là 2,9 triệu người, số tiền chi trả là 8.000 tỷ đồng/ tháng. Trong đó 62 tỉnh đã thực hiện ở tất cả các xã, phường trên địa bàn. (Hà Nội đã triển khai tại 25 quận/ huyện. Còn 5 quận/ huyện còn lại dự kiến quý 1/2017 triển khai).
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNPost cho biết: Công tác chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đã được thực hiện theo đúng quy định của BHXH, đảm bảo yêu cầu chi trả đúng người, đủ số tiền và kịp thời đến tay người hưởng. Bưu điện các địa phương đã thực hiện chi trả miễn phí tại nhà đối với nhiều trường hợp người hưởng già yếu, chi trả tại bệnh viện đối với nhiều trường hợp ốm đau, nằm viện không đi lại được, tạo điều kiện để người hưởng chế độ kịp thời nhận được các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Qua việc thực hiện, Bưu điện đã nhận được sự ủng hộ của người thụ hưởng, các cơ quan chính quyền địa phương bởi tính chuyên nghiệp của đội ngũ chi trả, tính minh bạch và an toàn trong công tác tổ chức và thực hiện.
Một số đơn vị đã xây dựng và triển khai chương trình phần mềm quản lý đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống Bưu điện như Long An, Phú Yên. Đây là một điểm khác biệt rõ nét của công tác quản lý người hưởng qua Bưu điện với các hình thức khác, làm tăng tính hiệu quả, chính xác trong việc quản lý người hưởng chế độ.
*Công tác chi trả bảo trợ xã hội: Thấu hiểu và đồng hành
Chính sách bảo trợ xã hội là một trong những nội dung cơ bản trong hệ thống an sinh xã hội hiện nay. Trong những năm qua, chính sách bảo trợ xã hội được tổ chức kịp thời, đồng bộ, đạt được những kết quả khả quan, tạo được niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho đối tượng bảo trợ xã hội, giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng, từ đó khẳng định tính đúng đắn về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đối tượng nhận trợ cấp xã hội hàng tháng gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; người từ 16 - 22 tuổi bị bỏ rơi, chưa có người nhận làm con nuôi; trẻ mồ côi; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người đơn thân nghèo đang nuôi con; người cao tuổi; người khuyết tật.
Từ năm 2012 - 2015, công tác chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện được thực hiện thí điểm tại 6 tỉnh: Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Hà Giang, Hòa Bình với số tiền chi trả một tháng gần 46 tỷ đồng, số đối tượng chi trả 156.000 người. Từ 1/7/2015, VNPost thực hiện gói chi trả trợ giúp xã hội hợp nhất của Dự án “Tăng cường trợ giúp xã hội Việt Nam” tại 4 tỉnh Hà Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Trà Vinh, nâng số tỉnh thành thực hiện chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện lên 8 tỉnh (có 2 tỉnh của dự án trùng với các tỉnh đã thực hiện thí điểm chi trả qua bưu điện).
Đến tháng 11/2016, công tác chi trả bảo trợ xã hội đã được mở rộng triển khai tại 44 Bưu điện tỉnh, thành phố với số tiền chi trả một tháng là 500 tỷ đồng cho 1.523.990 người hưởng.
Theo đó, hàng tháng các đối tượng thụ hưởng chế độ bảo trợ xã hội đến điểm giao dịch bưu điện cấp xã để nhận số tiền trợ cấp theo lịch cố định tại địa phương. Trường hợp không có người nhận trợ cấp thay cho người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi thì cán bộ chi trả của Bưu điện sẽ đến nơi ở của đối tượng để chi trả.
*Chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng: Ghi nhận bước đầu
Được sự cho phép của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng tại Quảng Nam (từ tháng 8/2015) và Đồng Nai (từ tháng 11/2016). Trong đó, Quảng Nam là tỉnh có truyền thống cách mạng, có số lượng người hưởng chính sách ưu đãi NCC lớn nhất cả nước. Cả tỉnh có trên 65.000 liệt sỹ, với trên 135.000 thân nhân liệt sỹ; hàng chục cán bộ thương binh, bệnh binh. Đặc biệt, tỉnh có đến 14.163 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện nay có trên 1.014 mẹ còn sống.
Chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội và người có công tại Bưu điện tỉnh Đồng Nai
Xác định chi trả trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng không chỉ là thực hiện chi trả tiền chế độ mà còn thể hiện sự trân trọng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trên cơ sở thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống Bưu điện của 4 huyện, thành phố Hội An, Đông Giang, Núi Thành và Quế Sơn, sau quá trình triển khai rút kinh nghiệm, Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống Bưu điện trên phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, Bưu điện tỉnh Quảng Nam đã thực hiện chi trả cho 50.674 đối tượng được hưởng với tổng số tiền chi trả 64.466 triệu đồng/ 1 tháng. Đối với các bà mẹ Việt Nam anh hùng và một số trường hợp già yếu khác không có khả năng đến nhận tiền tại các điểm chi trả, Bưu điện tỉnh Quảng Nam đã tổ chức chi trả đến tận nhà.
Để nâng cao chất lượng công tác chi trả, Bưu điện tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin với đầy đủ trang thiết bị (máy tính, máy in, Fax, đường truyền tốc độ cao), Bưu điện tỉnh đang khẩn trương hoàn tất phần mềm hỗ trợ cho việc quản lý và chi trả tiền cho NCC. Toàn bộ thông tin chi trả của người thụ hưởng được theo dõi, quản lý trên hệ thống công nghệ thông tin giúp cho các đơn vị quản lý nắm bắt kịp thời tình hình, điều kiện chi trả tại các địa phương: số người hưởng đã lĩnh tiền, số người chưa lĩnh, số tiền phải nộp về cuối ngày... giúp công tác chi trả được minh bạch, an toàn.
* Đã tốt vẫn cần tốt hơn
Để thuận lợi cho người hưởng chế độ, Bưu điện đã thống nhất với cơ quan BHXH và ngành LĐ-TB&XH về thời gian chuyển danh sách, kinh phí để cố định ngày chi trả hàng tháng ở từng địa phương, quy trình chi trả tại tất cả các địa phương được thống nhất; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện đối với mọi trường hợp thất thoát, hao hụt về tiền chi trả trên toàn mạng lưới, trong trường hợp có xảy ra thất thoát, Bưu điện Việt Nam phải ứng tiền kịp thời, không làm chậm trễ ảnh hưởng đến thời gian nhận tiền của người hưởng.
Các đối tượng thụ hưởng chính sách được nhận đủ số tiền, đúng thời gian quy định với hệ thống điểm phục vụ, cơ sở vật chất đồng bộ và thống nhất, thuận tiện cho việc đi lại, thời gian chi trả ổn định kéo dài theo giờ phục vụ của Bưu điện.
Đối với cơ quan BHXH và ngành LĐ-TB&XH, ngoài một số lợi ích về thanh quyết toán, còn được giảm thời gian phục vụ công tác chi trả, cán bộ bảo hiểm xã hội và cán bộ LĐ-TB&XH có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Người thụ hưởng chính sách được phục vụ nhanh chóng, chu đáo (Điểm chi trả tại Bình Thuận)
Về phía ngành Bưu điện cũng từng bước thể hiện vai trò của Bưu chính quốc gia trong việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ công của nhà nước đến cộng đồng, góp phần nâng cao công tác an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác chi trả các chế độ chính sách qua bưu điện, đặc biệt là công tác chi trả bảo trợ xã hội, vẫn còn một số khó khăn.
Việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền là một ví dụ. Trước đây, đại diện chi trả cũ của UBND xã, phường là người của địa phương nên nắm rõ đối tượng. Khi chuyển sang hệ thống Bưu điện chi trả, các cơ quan quản lý yêu cầu Bưu điện nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã gặp phải nhiều phản ứng tiêu cực, thiếu hợp tác của người hưởng vì cho rằng Bưu điện gây phiền hà. Việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, nhận diện đối tượng do bước đầu chưa quen cũng làm tăng thao tác chi trả nên người hưởng phải chờ đợi lâu hơn.
Trong công tác chi trả bảo trợ xã hội, việc chuyển tiền từ Phòng LĐ-TB&XH cho Bưu điện để chi trả thường không cố định do nguồn ngân sách cấp không kịp thời, dẫn đến trường hợp Bưu điện đã thông báo lịch chi trả nhưng tiền chưa về kịp cũng gây bức xúc cho người thụ hưởng.
Những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện bước đầu đang được các cơ quan LĐ-TB&XH, BHXH, Bưu điện phối hợp thường xuyên, chặt chẽ đề từng bước tháo gỡ, nhằm làm tốt hơn việc chi trả kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.