Anh học ở trường làng ven sông Đáy, trường Chùa Rừng, vì trường học sát chùa, cách có vài cây táo xoan. Năm đó học sinh đi học ở nơi sơ tán. Cô giáo Yến, cô chủ nhiệm của lớp 10, năm đó không hiểu sao trong lớp có bạn Ten mất chiếc bút và mấy hào bạc. Khi giờ ra chơi, sau hai tiết học văn không có vấn đề gì. Đến tiết thứ 4, Ten thưa cô mất bút và tiền học phí. Thế là cả lớp cho khám cặp, và không hiểu sao trong cặp sách của Thà lại có chiếc bút và mấy hào bạc. Cả lớp dồn mắt về Thà, nghi ngại và nghi hoặc. Rồi Thà đứng thẳng người nói: “Thưa cô, em không lấy của bạn Ten. Em không biết gì cả”. Trong lớp có bạn thừa nhận, đúng rồi, giờ ra chơi bạn Thà chơi cầu với bạn Luận ngoài sân. Bạn Luận đứng ra thừa nhận làm chứng cho bạn Thà. Cô giáo Yến nghe xong mới chậm rãi nói: “Trong lớp ta, nếu có bạn nào nghĩ ra trò chơi này, bạn ấy cần phải tự kiểm điểm bản thân nhé. Cô không trách và không phạt ai cả”. Tiền và bút đã trở về với chủ. Ten nhận tiền và bút, thản nhiên cười. Trong lớp ai cũng biết Ten thích bạn Thà nhưng Thà ngố lại không biết gì. Trời ơi, Thà ngố vừa bị ăn đòn ghen ghét tai ác của Ten. Thật may, cô giáo Yến đã giải quyết rất nhẹ nhàng. Rồi lần tốt nghiệp, Thà thi đỗ điểm cao, khi phóng xe trên đường ruộng, ngã vào ông cụ, bị người nhà bắt vào trụ sở xã X giải quyết. Nhân viên xã nói giọng hách dịch và định đưa Thà về công an xã. Lại bạn Luận kêu cứu cô giáo Yến. Cái mùa đông rét mướt ấy, cô giáo Yến thương lượng với nhân viên xã không thành. Thà bị nhốt một đêm ở Ủy ban. Cô Yến đêm đó đi thăm học trò còn mang theo chiếc áo len của con trai cô cho Thà mặc. Đêm đó rét quá, Thà đốt cả áo len để sưởi. Rồi trận sốt rét đã kéo dài mấy ngày ở nơi trường sơ tán. Không có bố mẹ ở bên cạnh, sơ tán ở nhờ nhà dân, đận đó không có cô giáo Yến, chắc bạn Thà gặp họa lớn.
Hơn bốn mươi năm trôi qua, khi Thà đã thành thầy giáo phụ trách một Trung tâm ngoại ngữ, lần nào đi đâu xa về anh cũng mua một món quà cho bà giáo của tuổi thơ đầy ắp bao kỷ niệm, để biết ơn bà. Nhưng cô giáo Yến mà Thà đã tìm không ra ở trường,, anh nghe tin bà có một số phận sinh ra để đợi chờ người yêu không trở về trong cuộc chiến từ năm 1975. Bà ở vậy. Một mình trong ngôi làng miền trung du, ven ngã ba sông Lô, sông Thao, sông Hồng. . Thà đã từng gặp cô Yến một lần, anh thấy bà nâng niu chiếc áo len màu tro nhòa lệ. Bà nhớ chiếc áo bà đem cho Thà đêm đông ở Ủy ban xã đó, năm nào. Chuyện không có to tát gì, chuyện con con mà nhân viên xã chỉ muốn làm to lên khiến cô giáo Yến năm đó thương trò không yên. Cô giáo nói, tôi nhìn đôi mắt mở to của em và tin rằng em không làm việc gì xấu được. Năm đó bố của bạn Thà học bên Nga, mẹ Thà làm phát thanh viên ở rạp chiếu phim thành phố. Mẹ Thà phải gửi con đi học, ngày ngày đi theo chiếc xe lưu động chiếu bóng cho các xã và xóm làng lân cận. Thà gặp chuyện gì rắc rối trong đời đều thấy bóng cô giáo Yến ở bên. Rồi nhớ lại, ở làng Sơn Đồng có nghề truyền thống, chuyên làm tượng Phật bà, Quan Thế Âm, câu đối trên tàu lá chuối, và những bông hoa sen gỗ sơn thếp rất đẹp. Anh đã có lần mua những bông sen sơn thếp hy vọng mang lên cho cô giáo Yến, để bà đặt ở nơi tôn vinh nhất ngôi nhà. Phòng thờ. Cô giáo của anh đã vịn vào hương khói, nhà chùa để đi qua hưu vắng.
Có một mùa đông ở bên Nga mưa tuyết, khiến anh đã nhớ tới cô giáo, thấy nhoi nhói trong ngực. Anh kể cho mẹ nghe về cách xử sự của cô giáo Yến trong trường. Từ việc chiếc kim sợi chỉ, đến chiếc săm xe đạp của thời bao cấp, cô sẵn lòng nhường lại cho đồng nghiệp. Rồi đến chuyện học trò đi bắt cua, bắt tép mang đến cho cô, nhưng cô lại bảo học trò đi cùng cô đến cuối làng Chùa Rừng, cùng nấu cho bà cụ độc thân cuối đồng vì bà cụ mang thứ bệnh phong, nguy hiểm. Làng xóm lúc đó ai cũng sợ, và ai cũng tránh. Lần đó, Thà cũng không hiểu gì về bệnh phong, nhưng có cô giáo Yến, có tý tép đồng và miếng thịt vịt, cô giáo chăm sóc bà như người con đối với mẹ hiền thảo. Cô chỉ cho Thà biết cách chia sẻ với người khi lâm nạn.
Cô cứ dạy học trò theo cách đi cùng với cô. Em cùng cô làm việc này, việc kia. Cả một năm cuối ở trường phổ thông, nơi từng xảy ra bao nhiêu biến cố… Thà ngồi nhớ trong mỗi trận mưa tuyết ở nước Nga. Cô giáo Yến còn có một đôi kim đan và chiếc hộp sắt đựng kim chỉ. Cô đã bao lần khâu khuy áo, khuy quần cho trò ở nơi sơ tán. Tất cả đã quên lãng như lớp đất sét nằm sâu dưới tầng của đất cát và đất thịt. Người học trò như Thà, đã thành đạt, anh không bao giờ quên những cử chỉ, những cách ứng xử của cô giáo Yến với học trò. Đó là phong cách đẹp nhân ái lặng lẽ bồi đắp phẩm chất làm người cho học trò từ cái thuở mỗi cây non chưa đủ cứng cáp. Và trong mỗi chuyến đi xa, Thà, người học trò cũ lại có niềm vui mua quà tặng cho mẹ chiếc áo bông, mua quà tặng cho cô giáo ở xa tít tận miền trung du, nơi ngã ba sông, nơi anh vẫn đi hai lần xe buýt, và một lần xe ôm lên thăm cô giáo mỗi đận Tết đến xuân về.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng/TC GĐ&TE