Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chiếc cặp hạt nhân chuyển giao giữa các đời tổng thống Mỹ

Chiếc valy hạt nhân, vật bất ly thân của các ông chủ Nhà Trắng, sẽ được chuyển giao vào đúng ngày tân Tổng thống tuyên thệ nhậm chức.

Chiếc cặp hạt nhân là vật bất ly thân, không bao giờ nằm ngoài tầm với của tổng thống Mỹ. Ảnh: CNN

Sau ngày nhậm chức tổng thống Mỹ 20/1/2017, Donald Trump sẽ được một phụ tá quân sự đi theo giúp ông mang "quả bóng hạt nhân". Đây thực chất là một chiếc valy da màu đen, luôn bên cạnh tổng thống Mỹ, cho phép ông chủ Nhà Trắng phát động tấn công hạt nhân từ bất kỳ vị trí nào trên thế giới, theo CNN.

Vào ngày diễn ra lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống tới đây, trợ lý mang "quả bóng hạt nhân" sẽ đi cùng ông Barack Obama. Nhưng sau buổi lễ, người này  sẽ chuyển sang tháp tùng ông Trump.

Giống như các bậc tiền nhiệm, dù Trump ở Nhà Trắng, ngồi trên xe riêng, đi trong thang máy hay đáp chuyên cơ Air Force One công du nước ngoài, chiếc cặp hạt nhân không bao giờ nằm ngoài tầm với của ông.

"Bạn cần sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi", Pete Metzger, người thường nhận trọng trách mang cặp hạt nhân dưới thời tổng thống Mỹ Ronald Reagan, nói. "Khoảng cách giữa thời điểm báo động và thực thi rất ngắn", chưa đầy 15 phút trong trường hợp khẩn cấp, ông Metzger cho biết thêm.

Tỷ phú Trump, cũng như những tổng thống đời trước, với trường hợp khẩn cấp, chỉ có nhiều nhất 15 phút để vừa tiếp nhận thông tin từ các cố vấn quân sự vừa quyết định xem có nên phát lệnh tấn công hạt nhân hay không.

"Donald Trump có khả năng không giới hạn trong việc phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân", Joseph Cirincione đến tư Quỹ Ploughshares, một tổ chức chống hạt nhân, nhận xét. "Ông ấy có thể khai hỏa một vũ khí hay hàng nghìn vũ khí mà không ai ngăn cản được".

Thực tế, "quả bóng hạt nhân" không có "nút bấm" như nhiều người vẫn tưởng. Thay vào đó, nó chứa các thiết bị và tài liệu liên quan đến việc ra quyết định mà ông Trump sẽ dùng để xác thực mệnh lệnh khai hỏa hạt nhân.

Khi muốn xác nhận triển khai một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, tổng thống Mỹ phải dùng đến một tấm thẻ ghi mã xác thực mang mật danh "bánh bích quy". Tấm thẻ này cũng là vật bất ly thân của tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước Mỹ.

Theo Washington Post, những tài liệu hướng dẫn chứa trong "quả bóng" giống như một cuốn thực đơn. Song thay vì chọn món ăn, tổng thống Mỹ sẽ lựa chọn các thành phố hay cơ sở quân sự của đối phương để tấn công.

Theo Bill Gulley, cựu giám đốc Văn phòng Quân sự Nhà Trắng, bên cạnh "bánh bích quy", "quả bóng" còn chứa một cuốn sách dày 75 trang chứa các lựa chọn triển khai tấn công hạt nhân trả đũa in bằng mực đen và đỏ, một cuốn sách khác chứa danh sách các địa điểm tuyệt mật là nơi trú ẩn an toàn cho tổng thống cùng một tập văn bản gồm 10 trang hướng dẫn cách vận hành Hệ thống Phát sóng Khẩn cấp.

Quan ngại

Không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi đối diện với tương lai mà mã hạt nhân quyết định sinh mạng hàng triệu người nằm trong tay ông Trump, theo CNN.

"Làm sao bạn có thể tin tưởng giao mã hạt nhân vào tay ông ấy", Tổng thống Obama hồi đầu tháng nói tại một buổi vận động tranh cử ở Durham, bang Bắc Carolina. "Bạn không thể làm như vậy".

Bruce Blair, cựu quan chức phụ trách khai hỏa tên lửa hạt nhân, người ủng hộ ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton, cho hay, ông hiện vẫn rất lo lắng về nhà tài phiệt New York.

"Ông ấy hết lần này đến lần khác thể hiện mình là một người nóng tính, bảo thủ và dễ bị kích động", Blair viết trên trang tin Politico. Nếu khủng hoảng hạt nhân bùng phát, "tính cách thất thường, bất ổn của Trump dễ khiến ông ấy có những quyết định thiếu đúng đắn".

"Tổng thống có thẩm quyền tối cao trong việc quyết định có sử dụng vũ khí hạt nhân Mỹ hay không. Chấm hết", Kingston Reif từ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nhấn mạnh.

Đến nay, đội ngũ phụ trách chuyển giao quyền lực của tổng thống Mỹ đắc cử chưa nêu rõ chính sách hạt nhân mà ông Trump muốn theo đuổi là gì. Nhưng các phát ngôn từ chiến dịch tranh cử mà nhà tài phiệt New York đưa ra đã nhận được không ít ý kiến trái chiều từ các chuyên gia an ninh.

"Kẻ nào đó bên trong ISIS đánh chúng ta, bạn sẽ không đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân ư?", ông Trump hồi tháng ba nói với bình luận viên Chris Matthews trên kênh truyền hình MSNBC, sử dụng tên viết tắt khác của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Nhưng tại cuộc phỏng vấn diễn ra một tháng sau đó trong chương trình "Today" do đài NBC sản xuất, nhà tài phiệt New York lại tỏ ra khá kiềm chế.

"Tôi sẽ là người cuối cùng dùng đến chúng. Tôi sẽ không trở thành kẻ kéo cò thỏa mãn như một số người khác", ông Trump quả quyết khi đề cập đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.