Văn phòng làm việc của công ty XKLĐ rởm do bà Đàm Thị Trường làm Giám đốc
Tiền mất tật mang
Năm 2013, Bà Đàm Thị Trường đứng tên Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu Đầu tư Xây dựng Thương mại Intercoo. VN (Cty CP XKĐTXDTM Intercoo. VN) có trụ sở làm việc tại số nhà 78, đường Trần Thủ Độ, T.P Vinh ( Nghệ An) mạo danh đơn vị hoạt động trên lĩnh vực XKLĐ, lợi dụng sự cả tin của người dân đã tìm cách môi giới lừa XKLĐ sang Úc và Ba Lan để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của 12 hộ gia đình ở xã Cổ Đạm và xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân( Hà Tĩnh)
Bà Trường viết giấy cam kết nhưng không thực hiện
Ông Hoàng Văn Quế (56 tuổi) ở thôn Linh Trung xã Xuân Liên có con trai là Hoàng Văn Mạnh 23 tuổi chưa có việc làm nên khi nghe lời lừa phỉnh "ngọt như mía lùi" của Đàm Thị Trường và cam kết mỗi suất đi XKLĐ sang Ba Lan là 10.500 USD, nhưng phải đặt cọc trước 2.000 USD để làm thủ tục. Muộn nhất là sau 3 tháng, kể từ ngày nộp đủ số tiền cọc, con ông sẽ được bố trí đi sang Ba Lan. Sau khi sang làm ăn ổn định, gia đình mới tiếp tục nộp thêm. Vì vậy, ông đã chạy vạy khắp nơi vay tiền lãi nộp cho bà Trường hai lần. Lần thứ nhất nộp ngày 30/10/2013 (1.000 USD), lần thứ hai nộp ngày 22/11/2013 (1.000 USD)
Sau ba tháng hồi hộp chờ đợi ngày con lên đường mà vẫn không thấy hồi âm, ông nóng lòng ra văn phòng của bà Trường hỏi sự tình thì được bà nói vì lý do này lý do nọ... cuối cùng bà bảo với ông về nói với cháu cố chờ thêm vài tuần nữa.
Hai tuần sau thấy không có động tĩnh gì, ông Quế lại ra Vinh tìm gặp bà Trường nhưng không gặp được bà, điện thoại không thấy bà cầm máy. Hỏi thăm nhân viên trong văn phòng thì họ đều bảo bà đi đâu không ai biết.
Thấy có dấu hiệu bất thường, những ngày sau ông Quế liên tục sang Vinh tìm bà Trường để đòi lại số tiền đã nộp cho bà, nhưng đã hơn một năm nay, ông đã đi lại hàng bao lần mà vẫn trở về trong vô vọng!
Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Văn Hiền ở Cổ Đạm đang trở thành con nợ sau khi vay tiền nộp cho bà Trường
Tương tự ông Quế, anh Nguyễn Tất Thành (SN 1985) ở xóm 11 xã Cổ Đạm, nhà thuộc diện hộ cận nghèo, đông anh em, bố mẹ đều làm ruộng. Trước đó Thành từng đi làm thuê tại Đắc Lắc, nhân một lần về quê nghe tin bạn bè hù nhau vay tiền đi XKLĐ ở Ba Lan qua công ty của bà Trường, Thành đã nài nỉ bố mẹ cầm cắm giấy tờ nhà vay tiền Ngân hàng nộp cho bà 2.000 USD vào ngày 24/11/3013, hy vọng sang nước ngoài làm ăn kiếm tiền gửi cho bố mẹ nuôi em ăn học.
Như những con mồi khác, để cho Thành tin tưởng bà Trường còn làm giấy cam kết: Sau 4 tháng, nếu không đi được, Cty sẽ hoàn trả đầy đủ số tiền trên cả gốc lẫn lãi. Vậy nhưng, Thành có ngờ đâu chính bản thân mình cũng chỉ là một nạn nhân của bà Trường khi biết được tin bà đã cao chạy xa bay.
Trong số 12 hộ gia đình này có Trần Thị Hồng trước đó từng bị bà Trường lừa đi XKLĐ sang Oxtraylia. Hồng đã nộp 300 triệu VNĐ, nhưng chờ mãi không được. Lúc đó Hồng vẫn ngây thơ tin lời bà Trường làm lại thủ tục đi Ba Lan làm việc một thời gian kiếm thêm, lúc nào bên Oxtraylia gọi thì trở lại chưa muộn. Ngờ đâu, một nữa Hồng lại bị “cắn câu” sâu hơn.
Chiêu thức lập hóa đơn và bản cam kết để lừa đảo đối tượng XKLĐ
Ai bảo kê cho bà Trường?
Ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng VL LĐTL- BHXH Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cho biết: Trong 44 đơn vị, doanh nghiệp được Bộ LĐTB&XH cấp phép cho hoạt động XKLĐ và đăng ký qua sở LĐTB&XH Nghệ An, không có tên Công ty cổ phần Xuất khẩu Đầu tư Xây dựng Thương mại Intercoo. VN. Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ Anh cũng đã nhận một số thông tin của người dân phản ánh Công ty này có trụ sở đóng tại 78 Trần Thủ Độ, T.P Vinh có hành vi lừa đảo XKLĐ, nhưng về mặt quản lý nhà nước đây không phải là trách nhiệm của ngành LĐTBXH, mà ngành LĐTBXH chỉ được phép phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác điều tra cung cấp thông tin.
Theo ông Thúy hiện nay giữa Việt Nam và Ba Lan chưa có ký kết chương trình XKLĐ nên đi XKLĐ ở Ba Lan không thể gọi là con đường chính thống, mà rõ ràng đó là lừa đảo.
Không những đối với những nạn nhân bị lừa đảo chiếm dụng tiền không ra được nước ngoài làm ăn, mà ngay cả đối với những người được chúng đưa đi bằng con đường không chính thống cũng mất tiền đống nhưng hết sức sự rủi ro. Bởi không có cơ quan chức trách nào đứng ra bảo đảm quyền lợi cho họ khi làm ăn ở nước ngoài, ngoài con đường XLLĐ chính thống.
Nạn nhân Trần Xuân Hạnh và Lê Thị Liều ở xã Xuân Liên bị lừa XKLĐ đang hết sức thất vọng
Sau khi nhận được đơn thư tố cáo của các hộ dân ở Xuân Liên và Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân ( Hà Tĩnh) PV Báo Dân Sinh ( Báo LĐXH) đã đến số nhà 78 Trần Thủ Độ,T.P Vinh ( Nghệ An) làm việc với bà Đàm Thị Trường, và bà cũng đã thừa nhận đơn vị của bà không có giấy phép XKLĐ. Còn chị Nga một cán bộ về hưu làm việc cho bà Trường cũng thừa nhận là chính bà không biết công ty chính của bà Trường đóng ở đâu và bà Trường thường đi đâu?
Ngay trước mặt tiền văn phòng công ty có treo hai tẩm biển cũng đề tên khác nhau. Một tấm biển to trên tường đề: Công ty cổ phần Xuất khẩu Đầu tư Xây dựng Thương mại Intercoo. VN; Tấm biển nhỏ gắn ở cổng lại đề: Công ty CP xây dựng ST nên rất khó xác định.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ, đưa kẻ lừa đảo ra ánh sáng để đem lại niềm tin cho nhân dân, và làm trong sạch môi trường XKLĐ.