Việt Nam là quốc gia nằm trong vành đai sỏi của thế giới và được xếp vào nhóm có tỷ lệ sỏi tiết niệu cao nhất thế giới. Điều trị sỏi chiếm khoảng 40-60% số bệnh nhân điều trị trong khoa tiết niệu. Ngày nay, bên cạnh việc phát triển các phương pháp lấy sỏi tiên tiến, triển khai xét nghiệm phân chất sỏi giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị và chiến lược hình thành sỏi về sau cho người bệnh tại các trung tâm niệu khoa lớn tại Việt Nam như Bệnh viện Bình Dân.
Giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp
Sau khi sỏi niệu được lấy ra khỏi cơ thể qua can thiệp không xấm lấn, phẫu thuật hoặc lý tưởng nhất là người bệnh tự tiểu ra sỏi nhỏ. Lúc này các chuyên gia sẽ dùng hệ thống máy để tìm ra có những loại tinh thể nào có trong sỏi. Sỏi có thể chứa nhiều hơn một thành phần tinh thể.
Nếu phát hiện sỏi dạng hợp chất canxi oxalate monohydrate và brushite là những loại sỏi cứng và khó bị tán vỡ bằng kĩ thuật tán sỏi ngoài cơ thể thì nếu cần điều trị tiếp theo, các bác sĩ có thể chọn phương pháp điều trị khác như nội soi lấy sỏi qua da hoặc nội soi niệu quản-bể thận ngược dòng và dùng laser bắn vỡ sỏi.
Nếu phát hiện sỏi dạng axit uric là loại sỏi vốn hình thành trong nước tiểu có tính axit thì kiềm hóa nước tiểu có thể hòa tan sỏi này và ngăn ngừa sỏi mới hình thành. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho người bệnh, bao gồm tầm soát luôn các bệnh lý kèm theo.
Nếu phát hiện sỏi canxi phosphate là loại sỏi hình thành trong nước tiểu có tính kiềm thì tăng pH nước tiểu sẽ làm tăng khả năng kết tủa canxi phosphate.
Sự hiện diện của một số loại tinh thể có thể gợi ý sự tồn tại của một bệnh tiềm ẩn. Ví dụ, sỏi canxi phosphate thường gặp ở người bệnh cường tuyến cận giáp nguyên phát và nhiễm toan ống thận xa, sỏi struvite hình thành khi có nhiễm trùng đường tiết niệu trên. Sỏi axit uric phổ biến hơn ở những người đái tháo đường, gout, béo phì.
Giúp lựa chọn chiến lược phòng ngừa sỏi niệu tái phát
Đối với sỏi axit uric, loại sỏi gặp ở 10-20% người mắc sỏi niệu và có nguy cơ tái phát cao, người bệnh được tư vấn giảm dùng các thực phẩm giàu đạm, purin như thịt bò, các loại thịt mỡ, nội tạng động vật, trứng cá, cá cơm, cá mòi, tôm, tép, nấm, bia… Những người gặp các bệnh về chuyển hóa, kháng insulin, hội chứng ly giải khối u, bệnh gout hoặc do một số loại thuốc. Ngoài việc tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, người bệnh còn được tư vấn dùng thuốc để kiềm hóa nước tiểu.
Đối với sỏi canxi oxalate, loại sỏi thường gặp ở 30-60% người mắc sỏi niệu thường có liên quan tới tăng canxi niệu, tăng oxalate máu, tăng uric niệu, giảm magie niệu và giảm citrate niệu. Người bệnh không nên ăn nhiều các thực phẩm giàu oxalate như một số loại trái cây: Các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, nho, kiwi, cam, mận; các loại rau củ như rau bina, đậu bắp, củ cải, cà tím, khoai lang, bí, cà chua, cà rốt. Người bệnh cần tránh ăn nhiều các loại đậu, hạnh nhân, hạt điều, đậu phụng, thức uống pha rượu mạnh với hoa quả, nước trái cây (trừ nước chanh) cũng có hàm lượng oxalate cao. Người bị sỏi canxi oxalat có thể dùng các sản phẩm từ sữa, chuối, dưa lưới, xà lách, cải thìa, súp lơ, đu đủ, ớt chuông.
Người bệnh có sỏi canxi oxalate cũng lưu ý bổ sung canxi đầy đủ. Canxi sẽ kết hợp với oxalate trước khi đến thận, làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Do đó, nếu chế độ ăn thiếu canxi khiến lượng oxalate đến thận nhiều hơn, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Các nghiên cứu cho thấy thay vì kiêng các thực phẩm chứa nhiều oxalate trong chế độ ăn mỗi ngày, người bệnh có thể ăn thức ăn giàu canxi kèm với thức ăn giàu oxalate. Vì vậy, quan niệm kiêng thực phẩm giàu canxi là chưa chính xác và có thể tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
Đối với sỏi phosphat, việc tác động của thực phẩm đến hình thành loại sỏi này không rõ ràng.
Phương pháp phân chất sỏi
Hướng dẫn của Hội Niệu khoa châu Âu, Hội Niệu khoa Hoa Kỳ đều khuyến cáo 2 kỹ thuật tin cậy nhất trong phân chất sỏi hiện nay là nhiễu xạ bột tia X và quang phổ hồng ngoại.
Ai nên thực hiện phân chất sỏi?
Người đã bị sỏi thận
Trẻ em bị sỏi thận
Lặp lại phân chất sỏi ở bệnh nhân khi:
Sỏi tái phát mặc dù đã dự phòng bằng thuốc.
Tái phát sớm sau khi đã điều trị hết sỏi.
Tái phát muộn sau một thời gian dài không bị sỏi vì thành phần sỏi có thể đã thay đổi.
Sau khi điều trị sỏi, nếu kết quả phân chất sỏi cho ra một số loại sỏi như sỏi axit uric, sỏi brushite, hoặc có các yếu tố nằm trong bảng các yếu tố nguy cơ tạo sỏi (Hướng dẫn của Hội Niệu khoa châu Âu) như bị sỏi từ nhỏ, sỏi trên thận độc nhất... thì được đánh giá là người bị sỏi nguy cơ cao. Những người này cần được làm thêm các đánh giá chuyên sâu về máu và nước tiểu để có biện pháp phòng ngừa riêng biệt. Những người bị sỏi nguy cơ thấp thì cần áp dụng các biện pháp chung phòng ngừa tái phát sỏi niệu.
Việc phòng ngừa chung sỏi niệu không quá khó và mọi người đều nên thực hiện để có lối sống lành mạnh, tăng cường sức khỏe. Đặc biệt cần chú ý đối với việc bổ sung canxi, một khoáng chất lâu nay vẫn bị nhiều người sỏi thận “hàm oan” là nguyên nhân gây sỏi. Thực ra người bị sỏi thận cần duy trì chế độ ăn đủ canxi, vì thiếu canxi sẽ làm tăng nguy cơ tạo sỏi canxi oxalat. Phòng ngừa sỏi thật sự mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe khi người bệnh tránh được nguy cơ phải phẫu thuật lấy sỏi. Điều này cũng giúp giảm gánh nặng kinh tế đáng kể. Một vài nghiên cứu đã cho thấy, đối với mỗi đợt tái phát sỏi được ngăn chặn bằng cách sàng lọc và phòng ngừa thích hợp cho một bệnh nhân, phí tổn tiết kiệm được là gần 2.000 bảng ở Anh, 2.158 đô la ở Mỹ, và giảm 30% chi phí điều trị bệnh nhân sỏi niệu ở Đức.
Sỏi tiết niệu đã được chứng minh là liên quan tới nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, bệnh thận giai đoạn cuối khi thận đã mất hoàn toàn chức năng không thể phục hồi và phải phụ thuộc chạy thận nhân tạo, ghép thận để duy trì sự sống.
Tỷ lệ các loại sỏi có sự khác biệt đôi chút tuỳ theo địa lý, quốc gia do ảnh hưởng của khí hậu, chế độ ăn. Nhìn chung nhiều nghiên cứu cho thấy: Sỏi canxi oxalat là thành phần phổ biến nhất, chiếm 70-80%; sỏi canxi phosphat chiếm khoảng 15%, sỏi axit uric 10%.