Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chiến lược) nhằm mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Chiến lược đưa ra 6 mục tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực: Chính trị; kinh tế, lao động; đời sống gia đình và phòng ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin truyền thông. Cụ thể là:
Mục tiêu 1: Trong lĩnh vực chính trị
Chỉ tiêu: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Mục tiêu 2: Trong lĩnh vực kinh tế, lao động
Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030.
Chỉ tiêu 2: Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% năm 2030.
Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Mục tiêu 3: Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Chỉ tiêu 1: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.
Chỉ tiêu 2: Đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.
Chỉ tiêu 3: Từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Chỉ tiêu 4: Đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Mục tiêu 4: Trong lĩnh vực y tế
Chỉ tiêu 1: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030.
Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030.
Chỉ tiêu 3: Tỷ suất sinh ở vị thành niên giảm từ 23 ca sinh/1.000 phụ nữ xuống 18/1.000 vào năm 2025 và dưới 18/1.000 vào năm 2030.
Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
Mục tiêu 5: Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Chỉ tiêu 1: Nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi.
Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025 và khoảng 99% vào năm 2030; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt khoảng 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.
Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030
Mục tiêu 6: Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông
Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt 60% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030 dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới.
Chỉ tiêu 2: Từ năm 2025 trở đi, 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới.
Chỉ tiêu 3: Từ năm 2025 trở đi, 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 4 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở.
Chỉ tiêu 4: Duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình ở Trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng tháng.
Tăng cường các nguồn lực thực hiện bình đẳng giới thực chất
Để thực hiện thành công 6 mục tiêu nêu trên, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới;
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
Xây dựng và triển khai các Chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách;
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Hàng năm, tổ chức triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến 15/12; tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia; chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới; tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyên môn của các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Việc thực hiện Chiến lược quốc gia giai đoạn 2021-2030 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu sắc đến mọi đời sống kinh tế, xã hội làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới. Phụ nữ phải đối mặt với những thách thức lớn như: Nghèo đói và bất an kinh tế, mất việc làm, giảm thu nhập, mất an ninh về lương thực và di cư. Đại dịch đã làm gián đoạn việc làm trong nhiều ngành kinh tế có đông lao động nữ, trong khu vực phi chính thức, làm nông nghiệp, bán hàng rong... Cùng với đó, bạo lực trên cơ sở giới tăng mạnh trong bối cảnh Covid- 19, tác động nặng nề tới sức khỏe vật chất, tinh thần đối với phụ nữ. Phụ nữ phải làm nhiều công việc không được trả lương với số giờ tăng mạnh khi thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa trường học, học online, chăm sóc người già, trẻ em. Họ cũng ở trong môi trường thiếu an toàn hơn, hạn chế đi lại, hạn chế riêng tư, và khi bị bạo lực, họ cũng khó khăn hơn khi tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ hỗ trợ xã hội. Phụ nữ và trẻ em cũng ít được tiếp cận với công nghệ thông tin hơn so với nam giới trong bối cảnh dịch Covid-19…
Chính vì vậy để đạt các mục tiêu của Chiến lược, ngoài các biện pháp được đề ra trong Chiến lược, các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19; hỗ trợ nâng cao năng lực của phụ nữ sẵn sàng ứng phó với đại dịch và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tình huống khẩn cấp; tăng cường nguồn lực, thực hiện bình đẳng giới hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có vấn đề việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập đối với lao động nữ; thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các chiến lược phục hồi do tác động của Covid-19 và lồng ghép các vấn đề trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới vào những nỗ lực tăng cường nguồn ngân lực cho tương lai (Bao gồm cả các kỹ năng trong khoa học, công nghệ, sáng tạo và khởi nghiệp); đảm bảo các chính sách để tăng cường các dịch vụ chăm sóc cho trẻ em, người già, người ốm để giảm gánh nặng cho phụ nữ và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội. Phát huy vai trò và sự đóng góp của phụ nữ để góp phần vượt qua thách thức trong bối cảnh Covid-19; tăng cường sự quan tâm, phối hợp, cam kết, đồng hành của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với các mục tiêu với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau".