Bát đũa còn có lúc xô nhau, vợ chồng sao tránh được những lúc bất hòa. Và chuyện bạn có những lời nói nặng nề hay cử chỉ làm tổn thương chồng và gây nên những xung đột, bất hòa xem ra là điều không thể tránh.
Tuy nhiên, nếu “thủ phạm” gây nên những mâu thuẫn, bất hòa này cứ một mực không chịu xin lỗi chồng để làm lành thì khi đó vấn đề thực sự trở nên rắc rối.
Bạn biết đấy, cũng giống như bạn, dù cho chồng bạn có thừa nhận rằng vợ chồng có thể có lúc quá lời hay hành động thiếu suy nghĩ nhưng khi vợ gây ra lỗi này trong thâm tâm người chồng vẫn chờ đợi người bạn đời của mình một thái độ ân hận, hối lỗi.
Thực tế là, có những ông chồng chỉ vì câu lỡ lời của vợ trong lúc nóng giận mà đã châm ngòi cuộc chiến tranh lạnh, tá túc ở cơ quan đến hàng tuần liền.
Cái tội của vợ ở đây không phải là câu lỡ lời kia mà chính là thái độ quanh co bóp méo sự việc để “thoát tội”.
Song ngược lại, cũng có ông chồng bị vợ giận đổ cả ca bia lên cổ, những tưởng sẽ được phen tan đàn xẻ nghé ấy thế mà khi nghe cô vợ ôm chân thủ thỉ "em xin lỗi chồng vì đã cả giận mất khôn. Em rất buồn vì đã làm anh đau lòng" thì bực bội như bay biến đâu cả, chồng trách cứ vợ thêm vài câu, vợ gật đầu nhận lỗi, thế là hòa cả làng.
Vẫn biết quyền năng của hai từ “Xin lỗi” thực lớn. Nó có thể làm tan biến mọi giông tố trong lòng người bạn đời.
Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, nhất là những lúc còn đang đầy mình tự ái, kiêu căng thì việc nghiêm trang cất câu: “Em xin lỗi anh” xem ra là điều quá khó.
Vậy phải làm sao? Nếu bạn thấy cách xin lỗi chồng trực diện là quá khó thì hãy thử một vài cách biến tấu trong việc nhận lỗi.
Có những người vợ cứ khi mắc lỗi là lựa cơ hội, lao đến ôm chồng rất chặt. Ảnh minh họa
Xin lỗi kiểu… “đá qua” cho chồng
Khi bạn lỡ nặng lời bảo chồng là “đồ lắm lời” khi anh ấy cứ liên mồm kêu ca nhà bẩn, đồ đạc lôi thôi, bạn sau khi cất lời: “Em xin lỗi” thì tìm cách đá qua cho chồng vô vàn những lý do gây nên sự lỡ lời của bạn kiểu như: “Nhưng anh cũng nói đi nói lại nhiều lần quá”, “Anh cũng dùng những câu nặng nề quá”, “hôm nay em đi làm cả ngày mệt quá nên lúc đó anh nói vậy em không còn bình tĩnh được nữa”...
Cái ý ngầm “lỗi quá lời của em một phần là do anh” có thể sẽ khiến bạn hả hê và do đó sẽ giúp bạn dễ dàng cất câu xin lỗi trước chồng hơn.
Xin lỗi kiểu thanh minh
Nếu bạn trót nói dối chồng là phải làm thêm giờ ở cơ quan để đi đàn đúm cà phê với mấy cô bạn cùng cơ quan và bị chồng lật tẩy ngay khi bước chân về đến nhà, bạn có thể nhận lỗi này một cách tếu táo kiểu như: “Em xin lỗi vì đã dối anh. Nhưng mà vì em nghĩ em chỉ về muộn có hơn một tiếng, bố con ăn mầm đá chút có khi lại ngon hơn”…
Xin lỗi bằng hành động
Không cần dùng một lời nào, có những người vợ cứ khi mắc lỗi là lựa cơ hội, lao đến ôm chồng rất chặt và chọc cười đến bao giờ chồng bảo “thôi được rồi” và ôm vợ thì mới thôi.
Có người lại dùng những món quà nhỏ như cà vạt, áo, quần… để tặng chồng sau khi có lỗi. Thậm chí, một bữa cơm ngon, một tách cà phê đúng lúc hay sự chu đáo trong việc chuẩn bị đồ cho chồng đi làm, là quần áo, lau cặp cho chồng cũng có thể được xem như một lời xin lỗi của kẻ vừa gây lỗi.
Có rất nhiều cách để người ta thể hiện sự hối lỗi của mình trước người bạn đời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý cách thuyết phục nhất là hành động bạn chủ động đến trước người bạn đời và chân thành nói lời : “Em xin lỗi”.
Không một câu trách móc, không một lời thanh minh và dù cho người bạn đời có thái độ phản kháng hay lên án bạn như thế nào thì bạn cũng hãy chấp nhận như một hậu quả tất yếu từ sai lầm của mình.
Thậm chí, bạn có thể nhắc lại câu xin lỗi chồng này một vài lần nếu thấy chồng vẫn còn đang lên án lỗi của bạn.
Và khi nói lời xin lỗi, bạn cũng hãy nên nói rõ ràng và chính xác. Chẳng hạn, bạn hãy nói “Anh bỏ qua cho em hành động xô mâm bát lúc trưa nhé” thay vì những lời diễn đạt chung chung kiểu như: “Thôi có gì thì bỏ qua cho vợ nhé”, “đừng chấp vợ mấy việc lặt vặt ấy nhé”…