Lá mãng cầu xiêm cũng… ra tiền !
Mua nụ thanh long làm… trà
Sau một thời gian im ắng, mới đây kịch bản thu mua nông sản lạ của thương lái Trung Quốc lại xuất hiện ở tỉnh Tiền Giang. Mặt hàng được thương lái đặt vấn đề thu mua là nụ thanh long để về… chế biến trà.
Tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), hiện có ít nhất 4 cơ sở thu mua nụ thanh long. Riêng tại xã Quơn Long, có thương lái còn bỏ tiền ra đầu tư xây dựng kho lạnh, lò sấy để sơ chế nụ hoa tại chỗ với công suất hàng tấn nụ thanh long mỗi ngày.
Tập kết nụ thanh long để bán cho thương lái.
Giá mỗi ký nụ thanh long khô hiện khoảng 120.000 đồng. Nhiều nông dân tại xã Quơn Long cho biết, với mức giá khoảng 3.000 đồng/kg thì bán nụ hoa vẫn có lời nhưng chưa cao. Nếu giá khoảng 5.000 đồng/kg thì cắt nụ bán hết sẽ lời hơn, khỏi tốn chi phí phân thuốc, công chăm sóc thanh long từ lúc ra nụ đến khi trái chín.
Tại Trà Vinh, một chủ xưởng sấy hoa thanh long cho biết, hoa thanh long dùng để pha trộn với một số loại trà cao cấp, vì hoa thanh long sau khi sấy có mùi thơm ngọt đặc trưng. Ngoài ra, hoa thanh long được thay thế cho rau trong những bữa ăn ở Trung Quốc.
Cau non, cam non cũng không tha !
Từ đầu tháng 5, thương lái miền Tây lùng sục khắp nơi thu gom cau non với giá cao ngất ngưởng. Đặc biệt, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) trở thành điểm tập kết cau non từ nhiều địa phương chuyển về. Cau non được các thương lái thu mua với mức giá 40.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi giá cau già chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Vì giá cao nên nhiều người dân sẵn sàng đốn buồng cau non để bán.
Nhiều nông dân ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền thông tin: “Thương lái đang lùng sục mua cau non từ ấp này sang ấp nọ…Tuy nhiên, việc thu mua này rất lạ vì cau non có ruột màu trắng, có nước ở giữa trái, rất khó có thể sản xuất ra sản phẩm gì; cau già thì khác, có thể dùng để ăn với lá trầu, vôi, làm ra màu... ”.
Cau non đang được mua với giá cao hơn cau già.
Đáng chú ý, nhiều thương lái còn đến các tỉnh ở vùng ĐBSCL như Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp… để thu mua cam non còn tươi với giá 2.000 đồng/kg và khoảng 12.000 đồng/kg với cam xắt miếng phơi khô.
Theo chủ đại lý thu mua cam non N.M (ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), do thương lái ồ ạt đi mua nên giá cam non tăng cao.
Mỗi ngày, đại lý N.M bán gần 2 tấn cam non. Chủ đại lý N.M thừa nhận, thương lái mua cam non là để xuất sang Trung Quốc, còn phía Trung Quốc sử dụng hàng này như thế nào thì không ai rõ. Lại có dự đoán, sản phẩm cam non được đem làm nhang muỗi, trần bì trong thuốc bắc, xuất sang Trung Quốc…
Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Trà Ôn (Trà Vinh), ghi nhận: “Không phải mới đây, mà thực trạng nông dân trong huyện bán cam non cho thương lái đã diễn ra từ lâu…, còn họ bán cho ai thì tôi không rõ !”.
Đang rộ lên tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua cam non.
Thị trường bị lũng đoạn
Có thể nói trong những năm gần đây, thương lái Trung Quốc sang nước ta mua khá nhiều mặt hàng với mục đích và động cơ không rõ ràng. Từ 10 năm trước, thứ mà thương lái Trung Quốc thường mua là móng trâu, móng bò; vài năm gần đây là đỉa, lá điều khô, lá vải khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi; mấy tháng trước họ chuyển sang mua nhiều nhất là lá khoai mì, lá khoai lang với số lượng lớn và thu mua với giá rất cao, tuy nhiên sau khi nông dân ồ ạt trồng, ồ ạt bán thì thương lái lại không mua nữa.
Cho đến thời điểm này, các mặt hàng mà thương lái Trung Quốc thu mua chưa chứng minh được lợi ích về mặt ý nghĩa kinh tế, chúng ta cũng chưa kiểm chứng họ mua những sản phẩm đó để làm gì. Song, tình trạng thu gom nông sản lạ của thương lái Trung Quốc chắc chắn đã gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, việc thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua các mặt hàng nông sản theo kiểu quái lạ cùng rất nhiều mánh khóe, chiêu trò là “hành động phá hoại nền kinh tế nước nhà”.
Ông Doanh nói thêm: “Tôi nghĩ phản ứng của các bộ, ngành trước những chiêu trò kỳ quái của thương lái Trung Quốc là rất chậm và chưa quyết liệt. Chính vì vậy, thương lái Trung Quốc mới có cơ hội diễn đi diễn lại những chiêu trò cũ, người nông dân vẫn bị lừa, tuy có thể lợi ích trước mắt nhưng về lâu dài thì gánh thêm những thiệt hại mới và khó lường.
TS Lê Đăng Doanh: Có lỗ hổng lớn về quản lý Dễ nhận thấy đang có lỗ hổng lớn trong công tác quản lý điều hành tổ chức thị trường của các bộ, ngành liên quan, cùng với đó là sự kiểm soát thiếu chặt chẽ của các địa phương. Thay vì phản ứng chậm, chúng ta cần phải có báo cáo chi tiết hàng năm về những hoạt động bất thường của thương lái Trung Quốc. Cần phải giám sát chặt chẽ việc người Trung Quốc vào lãnh thổ nước ta đi theo hình thức nào, có giấy phép, có phải là thương nhân hay không, có quyền được thực hiện các giao dịch mua bán trực tiếp với người dân hay không và thông qua hình thức hợp đồng như thế nào, có như thế mới hạn chế sự lũng đoạn của thương lái Trung Quốc trên thị trường”. |