Các thành viên Chính phủ tại phiên họp
*GDP tăng trưởng nhanh
Tình hình KT-XH tháng 3 và quý I/2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.Tốc độ tăng GDP quý I ước đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, nhờ sự đóng góp lớn của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, với mức tăng 8,25% (gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 9,1%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,6%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,2%. Khách quốc tế đến Việt Nam quý I ước đạt trên 2 triệu lượt người.
Lạm phát (CPI) tháng 3 tăng 0,15%, 3 tháng giảm 0,1%. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,25% (cùng kỳ năm trước giảm 0,57%). Mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối tăng. Thu, chi ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 30,4% GDP (cùng kỳ đạt 28,4%), tăng 9,1% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 3,05 tỷ USD, tăng 7%; vốn ODA giải ngân tăng 10,7%.
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức như tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; tăng trưởng các khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ; thời tiết nắng nóng, khô hạn tại một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; xuất khẩu khu vực trong nước giảm so với cùng kỳ; vẫn còn tình trạng kiểm soát an toàn lao động chưa chặt chẽ, để xẩy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng…
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện đồng bộ, tăng cường phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chú trọng công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh và các điều kiện lao động...
*Kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội
Luật BHXH được sửa đổi đáp ứng được nguyện vọng của người lao động
Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận về báo cáo của các bộ, cơ quan chức năng đối với kiến nghị của công nhân về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực vào 1/1/2016), trong đó có quy định việc không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH một lần như Luật hiện hành.
Bộ Lao LĐ-TB&XH,Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND TP. HCM đã kiến nghị việc sửa đổi Luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của công nhân. Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, Chính phủ đã nhất trí với kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương nêu trên và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần.