Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chính phủ thống nhất đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật Việc làm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp. Đây là một nội dung của Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2017 của Chính phủ.

Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn tất thủ tục xây dựng Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết trên.

Trước đó, đầu tháng 01/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dã có dự thảo trình Chính phủ về việc điều chỉnh mức đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người sử dụng lao động từ 1% xuống 0,5%, đến hết năm 2019. Đồng thời, giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đề xuất mức đóng BHTN giai đoạn từ năm 2020 trở đi.

Lao động Công ty cổ phần chế tạo điện cơ Hà Nội. ảnh:HEM

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước kết dư Qũy bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối năm 2016 là 56.486 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn. Đặc biệt, năm 2016 tổng thu BHTN là 11.728 tỉ đồng, trong khi đó chi các chế độ BHTN chỉ 5.171 tỉ đồng. Nếu giảm mức đóng BHTN trên trong các năm tiếp theo tổng chi sẽ dần tiệm cận với tổng thu bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra 02 phương án giảm đóng quỹ BHTN. Cụ thể, một là giảm mức đóng BHTN từ mức 1% xuống mức 0,5% đối với người sử dụng lao động. Hai là, giảm mức đóng BHTN từ mức 1% xuống mức 0,5% đối với người sử dụng lao động, nhưng trong một giai đoạn nhất định.

Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn phương án hai. Nguyên nhân, việc giảm mức đóng BHTN từ mức 1% xuống mức 0,5% đối với người sử dụng lao động trong điều kiện không có sự hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước, thì tổng số tiền thu vào Quỹ BHTN trong năm sẽ giảm đi 25% so với khi giữ nguyên mức đóng, do vậy tổng chi BHTN chắc chắn sẽ chiếm tỉ lệ cao so với tổng thu hằng năm. Nếu có biến động lớn về kinh tế, xã hội thì Quỹ sẽ không đủ khả năng để chi trả cho người lao động..