Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Chính sách hợp lòng dân, thúc đẩy đất nước phát triển

(Dân sinh) - Đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực (Bắc Giang) đánh giá, các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm đạt được, cũng như hạn chế, nguyên nhân. Đặc biệt, rút ra 6 bài học kinh nghiệm, làm sâu sắc thêm những bài học quý được Quốc hội các khóa trước.

Cũng theo ông Thực, Quốc hội Khóa XIV đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong Nhân dân. Một nhiệm kỳ đổi mới, hoạt động vì dân thể hiện trên các mặt.

Chính sách hợp lòng dân, thúc đẩy đất nước phát triển - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực (Bắc Giang).

Thứ nhất là, Quốc hội rất coi trọng công tác lập pháp, với 72 luật, 18 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 pháp lệnh, 23 nghị quyết, là khối lượng công việc rất lớn để hoàn thành thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Kịp thời phê duyệt nhiều hiệp định thương mại quốc tế, tạo môi trường thuận lợi, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thể hiện ước nguyện của Nhân dân, của dân tộc. Đồng thời, động viên các nguồn lực của đất nước, đưa đất nước hội nhập, phát triển, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Thứ hai là, đổi mới, cải tiến các hoạt động giám sát, đặc biệt là 7 chuyên đề giám sát của Quốc hội, là những nội dung có liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân. Phương pháp giám sát bài bản, căn cơ, không những giải quyết những bức xúc trước mắt mà còn tìm ra nguyên nhân để đưa ra biện pháp lâu dài; vừa hoàn thiện thể chế, chính sách, rõ trách nhiệm để thúc đẩy giải quyết các vấn đề qua giám sát. "Tôi đồng tình với các ý kiến là Quốc hội, Chính phủ, không chạy theo ngắn hạn, trước mắt mà giải quyết các vấn đề có tầm chiến lược, lâu dài. Giám sát chuyên đề của Quốc hội đang đi theo hướng này", ông Thực nhấn mạnh.

Thứ ba là, nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, một số công trình trọng điểm quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số, chính sách tài khóa, tiền tệ, quy định trần nợ công, lạm phát, phòng chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thành khung pháp lý đầu tư công – tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công, phát huy các hình thức đầu tư... 

Những quyết sách này cùng với những nhiệm vụ "thể chế, thể chế và thể chế" đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế, hạn chế tác động tiêu cực. Những số liệu về chỉ số về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm trần nợ công còn 55%, dự trữ ngoại hối đạt trên 100 tỷ USD là kết quả của những quyết sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Điều quan trọng nhất, theo ông là, những chính sách đó hợp với lòng dân và được người dân, doanh nghiệp đón nhận, thực hiện.

Thứ tư là, Quốc hội có nhiều đổi mới trong hoạt động họp trực tuyến, giảm tối đa tài liệu giấy, hướng tới một Quốc hội điện tử; các ý kiến của đại biểu Quốc hội được tổng hợp, phản hồi khá đầy đủ, không khí thảo luận dân chủ, thẳng thắn như nhiều người đã khẳng định là chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận. Như vậy, Quốc hội đang có bước chuyển về chất, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn hỏi nhanh, đáp ngọn cũng được dư luận đánh giá rất cao.

Thứ năm là, phối hợp công tác giữa các cơ quan Nhà nước, giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp và MTTQ, các tổ chức được tăng cường hơn bằng những quy chế, cơ chế cụ thể, hàng năm có nội dung trọng tâm và đánh giá hiệu quả. Các hoạt động của các Ủy ban, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi về các cơ quan có trách nhiệm giải quyết; việc đôn đốc, giám sát, theo dõi viêc giải quyết kiến nghị của cử tri có nhiều tiến bộ, sâu sát, kịp thời hơn. Hoạt động ngoại giao nghị viện đối ngoại cũng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.