Từ hôm nay (1/8), Nghị định 46 chính thức có hiệu lực, hơn 100 hành vi vi phạm giao thông bị tăng mức xử phạt.
Nghị định 46 điều chỉnh mức phạt tiền đối với 152 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ gồm nhóm vi phạm về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, quy tắc giao thông, chở hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, nhóm hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cũng theo Nghị định mới, với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt được tăng cao. Theo đó, người điều khiển môtô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 500.000 -1 triệu đồng và bổ sung việc tước GPLX từ 1-2 tháng, thay vì mức 200.000-400.000 đồng trước đây.
Nghị định 46 cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ôtô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7-8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng.
Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18-20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy (theo Nghị định số 171 thì hành vi vi phạm này chỉ bị phạt từ 8 - 10 triệu đồng).
Nghị định cũng tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ. Đối với lái xe, mức phạt cao nhất khi chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3 - 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định…
Ôtô chạy quá tốc độ dưới 10km/h phạt 800.000 đồng
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô thực hiện hành vi vi phạm: Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (quy định hiện hành chỉ phạt đến 800.000 đồng), tịch thu giấy phép lái xe từ một đến ba tháng (quy định hiện hành: một tháng).
Tăng mức phạt tiền lên 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (quy định cũ từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng).
Tăng mức phạt tối thiểu từ 4 triệu lên 5 triệu đồng (phạt từ 5 triệu đến 6 triệu đồng) đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Mức lương mới
Kể từ ngày 1/8, Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức lương, phụ cấp và hoạt động phí của các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này sẽ được tính theo mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng kể từ ngày 1/5/2016.
Đối với cán bộ, công chức có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng tiền lương tăng thêm quy định tại Nghị định 17/2015/NĐ-CP như sau: Nếu tổng tiền lương và các khoản phụ cấp lương tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng của tháng 5/2016 thấp hơn tiền lương và các khoản phụ cấp lương cộng với tiền lương tăng thêm theo Nghị định số 17 tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng của tháng 4/2016 thì được hưởng chênh lệch cho bằng tổng tiền lương đã hưởng của tháng 4/2016…
Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Tại Thông tư liên tịch có hiệu lực từ 1/8/2016, Liên Bộ Lao động -thương binh & Xã hội và Bộ Tài chính đã quy định một số mức hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định 61/2015.
Cụ thể như sau: hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ tùy từng khóa học và thời gian học thực tế nhưng tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được cấp phép khám sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ giải quyết theo mức quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 của Quyết định 144/2007 trong trường hợp người lao động gặp phải các rủi ro khi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo Thông tư liên tịch tháng 9/2016 giữa Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và Bộ Tài chính, người lao động còn nhận được nhiều hỗ trợ khác như: chi phí đi lại, tiền ăn, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài.
Khai sai thuế nhưng tự phát hiện vẫn bị xử phạt
Đây là nội dung mới được nêu tại Nghị định số 45 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/8/2016.
Theo đó, người nộp thuế không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhưng đã tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ khai thuế trước thời điểm thông quan hàng hóa vẫn sẽ bị phạt 10% số tiền thuế khai thiếu.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với người xuất cảnh không khai hoặc khai sai số ngoại tệ, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi xuất cảnh tương đương từ 5 - 30 triệu đồng; trong khi trước đây, chỉ khi mang theo tiền, vàng vượt mức quy định từ 10 - 30 triệu đồng mới bị áp dụng mức phạt này.
In hóa đơn không ký hợp đồng bị phạt đến 1,5 triệu
Theo Nghị định của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, mức phạt đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng bằng văn bản sẽ giảm từ 2 - 4 triệu đồng xuống còn từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng.
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp đó không đủ điều kiện đặt in hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng; đồng thời buộc phải hủy các hóa đơn đã đặt in không đúng quy định.
Bên cạnh đó, cá nhân không thông báo bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải thông báo giá; áp dụng mức giá kê khai, đăng ký không đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Trường hợp không kê khai giảm giá phù hợp với biến động giảm giá; không kê khai giá đúng thời hạn theo văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, mức phạt tiền dao động từ 5 - 10 triệu đồng.
Nội dung này được nêu tại Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 13/8.