Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chính sách mới đối với thị trường lao động Hàn Quốc

Việt Nam và Hàn Quốc ký kết lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) sau hơn 1 năm tạm dừng và sau 2 năm không tổ chức thi tiếng Hàn trên giấy cho lao động mới là tin vui đối với rất nhiều người lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc.

Những điểm mới của MOU 2016

So với các MOU đã ký trước đây, MOU năm 2016 có một số điểm mới quan trọng liên quan đến việc thực hiện chương trình EPS với Hàn Quốc.

Điểm mới đầu tiên là người lao động sau khi thi đạt chứng chỉ tiếng Hàn do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Việc làm Lao động Hàn Quốc phối hợp tổ chức sẽ tham dự kỳ kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực của ứng viên. Việc kiểm tra tay nghề đã thực hiện thí điểm đối với lao động ngành ngư nghiệp, nông nghiệp và ngành xây dựng năm 2011và 2012. Nhưng từ năm 2016, ngoài việc áp dụng cho các ngành nghề trên, sẽ kiểm tra tay nghề thêm đối với ứng viên đăng ký ngành sản xuất chế tạo. Mặc dù việc kiểm tra tay nghề không phải là bắt buộc, nhưng kết quả của kỳ kiểm tra này nhằm mục đích bổ sung vào hồ sơ tìm việc để cung cấp thêm thông tin cho chủ sử dụng lao động. Do đó, kết quả kiểm tra tay nghề dù không dùng để xét đạt hay không đạt đối với ứng viên đã thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn, nhưng doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ ưu tiên lựa chọn những lao động có chất lượng tay nghề và kỹ năng tốt.

Điểm mới thứ hai của MOU 2016 là quy định trách nhiệm của phía Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo đó, hạn ngạch phía Hàn Quốc cấp cho Việt Nam phụ thuộc vào tình hình lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nếu lao động bất hợp pháp Việt Nam nhiều, hạn ngạch tuyển lao động mới sẽ giảm, nếu lao động bất hợp pháp tăng cao phía Hàn Quốc có thể dừng tiếp nhận lao động Việt Nam hoặc chấm dứt MOU bất cứ thời điểm nào.

Lao động Việt Nam xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài.

Như vậy, bên cạnh những cơ hội được mở ra, MOU 2016 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong việc giảm lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Cơ hội cho lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước

Ngay khi MOU được ký kết, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều chính sách áp dụng đối với lao động tham gia Chương trình trong năm 2016.

Cùng với chính sách miễn xử phạt và cho phép tái nhập cảnh của Hàn Quốc đối với lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước từ 1/4 đến 30/9/2016, ngày 1/6/2016, Bộ LĐ-TB&XH ban hành công văn số 1933/LĐTBXH-QLLĐNN gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về nội dung miễn xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước từ ngày 1/5/2016 đến hết ngày 30/9/2016. Theo đó, lao động bất hợp pháp về nước trong thời gian này, nếu có nguyện vọng thì được đăng ký thi tiếng Hàn và có cơ hội tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc theo quy định. Đây là chính sách khuyến khích sự tự giác của người lao động, ngoài việc mang lại lợi ích của bản thân, người lao động còn thể hiện được trách nhiệm với cộng đồng trong việc tạo thêm cơ hội cho nhiều lao động mới có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Với chính sách này, các cơ quan chức năng Hàn Quốc và Việt Nam hy vọng giảm mạnh số lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong năm 2016, qua đó tăng hạn ngạnh tiếp nhận lao động mới trong năm 2017.

Hạn chế tuyển chọn lao động tham gia chương trình EPS

Trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã hướng dẫn và hỗ trợ một phần kinh phí để các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và triển khai các biện pháp giảm lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, việc triển khai công tác này ở các địa phương chưa thường xuyên, liên tục và hầu hết đều chưa đạt được mục tiêu giảm lao động bất hợp pháp bền vững. Cuối năm 2015, số lượng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là khoảng 15.000 người, nhưng 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng lên trên 16.000 người. Trong thời gian tới, để nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc triển khai các giải pháp giảm lao động bất hợp pháp, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Thủ tướng về việc dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2016 tại một số quận, huyện, thành phố, thị xã (huyện, thị) của 10 tỉnh, thành phố có số lượng lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp cao nhất cả nước.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, tính đến 30/6/2016, 10 tỉnh, thành phố có số lượng lao động bất hợp pháp cao nhất cả nước gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Bình và Hưng Yên. Để tạo điều kiện cho các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp giảm lao động bất hợp pháp, trong năm 2016 tạm thời áp dụng việc hạn chế tuyển chọn lao động của 44 huyện, thị có số lao động bất hợp pháp lớn hơn mức bình quân của các huyện, thị (từ 60 người trở lên) và có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cơ trú bất hợp pháp từ 35% trở lên.

Trong 6 tháng cuối năm 2016, các huyện, thị còn lại của các địa phương này cũng như các địa phương khác, nếu không triển khai các biện pháp để giảm được lao động bất hợp pháp, sẽ bị xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017. Số liệu về tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước và số lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của các huyện, thị sẽ được thông báo công khai, cập nhật hàng tháng để các địa phương biết, chủ động triển khai các biện pháp giảm lao động bất hợp pháp.

Để hạn chế phát sinh tiêu cực trong việc chuyển hộ khẩu từ các địa phương bị tạm dừng tuyển lao động sang các địa phương không bị dừng nhằm gian lận kỳ kiểm tra tiếng Hàn, hồ sơ đăng ký của những lao động có thời gian cư trú dưới 1 năm (tính từ ngày đăng ký thi tiếng Hàn) tại địa phương không bị tạm dừng nêu trên sẽ không được chấp nhận. Đồng thời, tỉnh, thành phố nào bị phát hiện có tiêu cực trong việc chuyển hộ khẩu sẽ bị xem xét dừng tham gia chương trình EPS toàn tỉnh.

Ngoài việc hạn chế các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ áp dụng việc không tuyển chọn thân nhân (bố/mẹ/con đẻ, vợ/chồng, anh/chị/em ruột) của những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cố tình không về nước trước 30/9/2016. Đây là biện pháp mạnh đối với gia đình lao động bất hợp pháp, để các gia đình cùng nâng cao trách nhiệm trong việc vận động con em tuân thủ đúng quy định của pháp luật, về nước đúng quy định.

Chính sách đối với các địa phương gặp sự cố môi trường

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đối với 4 tỉnh miền Trung gặp sự cố môi trường vừa qua như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế sẽ không tạm dừng tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp, đánh bắt cá gần bờ đối với các huyện, thị ven biển của các tỉnh này, dù tại thời điểm thông báo các huyện, thị này có thể rơi vào tiêu chí bị tạm dừng.

Tuy nhiên, người lao động thuộc các huyện, thị trên mặc dù không bị tạm dừng, nhưng có thân nhân (bố/mẹ/con, vợ/chồng, anh/chị/em ruột) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu không tự nguyện về nước trước 30/9/2016 sẽ không được dự thi tiếng Hàn.

Đặc biệt, để hỗ trợ cho người lao động thuộc các huyện, thị ven biển có sự cố môi trường nêu trên có thêm cơ hội tham gia chương trình EPS, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ các phương án hỗ trợ kinh phí đào tạo tiếng Hàn đối với các đối tượng cụ thể khi có nguyện vọng đăng ký tham gia chương trình EPS. 

Cần nhận định rõ trách nhiệm của các địa phương

Việc triển khai các biện pháp giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngoài trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, cần phải nhìn nhận rõ trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể và người dân. Về phía chính quyền địa phương, cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa của Sở LĐ-TB&XH và UBND các cấp trong việc tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố các biện pháp cụ thể, đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp giảm lao động bất hợp pháp. Việc xác định trách nhiệm cụ thể đối với các ban, ngành có liên quan trong việc tuyên truyền, vận động và thực hiện các giải pháp vận động lao động Việt Nam ở Hàn Quốc về nước đúng hạn là khâu then chốt. 

Để triển khai hiệu quả công tác trên, cần thực hiện ngay việc rà soát danh sách người lao động sắp hết hạn hợp đồng phải về nước trong các tháng còn lại của năm 2016, danh sách lao động bất hợp pháp chưa tự nguyện về nước trên từng địa bàn cụ thể, để yêu cầu gia đình lao động vận động con em họ chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin truyền thông, tích cực tuyên truyền các chính sách của người lao động về nước đúng thời hạn, có các biện pháp xử lý mà người lao động bất hợp pháp và các biện pháp hành chính đối với gia đình lao động bất hợp pháp, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt các quy định pháp luật về xuất khẩu lao động.Bên cạnh đó, chính quyền xã, phường phải vào cuộc tích cực nắm chắc danh sách lao động sắp hết hạn hợp đồng phải về nước ở từng thôn, xóm, là con em của gia đình nào, sau đó tuyên truyền trên đài truyền thanh của xã, phường, cử cán bộ phối hợp các tổ chức đoàn thể trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động. Đặc biệt, trách nhiệm của các gia đình có con em đi lao động ở Hàn Quốc, trong đó các gia đình cán bộ chủ chốt ở địa phương cần gương mẫu động viên con em mình để thể hiện trách nhiệm với lợi ích của cả cộng đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc tạm thời hạn chế 44 huyện, thị trên là chưa nhiều, nhưng đây là sự cảnh báo đối với các địa phương, nếu không có các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ để giảm lao động bất hợp pháp, trong thời gian tới Bộ sẽ báo cáo Chính phủ áp dụng biện pháp mạnh, hạn chế tất cả các huyện không giảm được lao động bất hợp pháp theo cam kết với Hàn Quốc, không tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động, thậm chí sẽ dừng cả tỉnh nếu tình trạng lao động bất hợp pháp của địa phương đó tăng cao, ảnh hưởng tới việc thực hiện MOU với phía Hàn Quốc.

Theo cam kết trong MOU, năm 2016 Việt Nam phải giảm số lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 16.199 xuống khoảng 14.500 người.  Nếu tính cả số bất hợp pháp tăng mới trong năm (khoảng 3500 người/10.000 phải về nước trong năm 2016),Việt Nam phải giảm được khoảng 5000 lao động bất hợp pháp.