1. Điều chỉnh thuế suất xuất khẩu một số mặt hàng
Có hiệu lực từ ngày 30/12/2021, Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng quy định tại Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế và Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế.
Đơn cử, điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu với một số mặt hàng như:
- Các loại cát tự nhiên, đã hoặc chưa nhuộm màu, trừ cát chứa kim loại thuộc Chương 26 (mã hàng 25.05): Được điều chỉnh mức thuế suất từ 0% lên 10% và 30% (tùy loại).
- Đồ trang sức và các bộ phận của đồ trang sức, bằng kim loại quý hoặc kim loại được dát phủ kim loại quý (mã hàng 71.13): Có thuế suất 25%; 30% sẽ được điều chỉnh giảm xuống còn 0% và 1%.
- Đồ kỹ nghệ vàng hoặc bạc và các bộ phận của đồ kỹ nghệ vàng bạc, bằng kim loại quý hoặc kim loại dát phủ kim loại quý (mã hàng 71.14); các sản phẩm khác bằng kim loại quý hoặc kim loại dát phủ kim loại quý (mã hàng 71.15): thuế suất được điều chỉnh giảm từ 30% xuống còn 0% và 1%.
- Chì chưa gia công (mã hàng 78.01): Có mức thuế suất thuế xuất khẩu mới là 15% thay vì 0% như quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP hiện nay.
2. Lùi thời điểm cải cách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức
Quốc hội thông qua Nghị quyết 34/2021/QH15 (có hiệu lực từ 28/12/2021) về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo đó, lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 23/2021/QH15 quy định: “Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022”.
Như vậy, thay vì thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022, Quốc hội đã quyết định lùi cải cách tiền lương với công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.
Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán dành để cải cách chính sách tiền lương.
3. Tiếp tục cơ chế thu nhập đặc thù đến khi có bảng lương mới
Nghị quyết 40/2021/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 do Quốc hội ban hành quy định tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù với một số đơn vị cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương. Cụ thể:
Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.
Cũng tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, Quốc hội cũng đã quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp tại Nghị quyết 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021.
Trước đó, Thủ tướng đã có Quyết định 11/2021/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 về kéo dài thời gian thực hiện cơ chế tài chính đặc thù của một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.
Đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn tiết kiệm tối thiểu 15% chi thường xuyên ngoài chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương và các khoản chi trực tiếp cho con người đối với các cơ quan hành chính nhà nước đang được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của đơn vị theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước.
Nghị quyết 40/2021/QH15 có hiệu lực từ 28/12/2021.
4. Mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc từ ngày 23/12/2021
Chính phủ ban hành Nghị định 97/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 23/12/2021) sửa đổi Nghị định 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Theo đó, mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được quy định tại Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 97/2021/NĐ-CP (thay thế Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP ).
Mức phí này được áp dụng đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định: Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy.
Mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân (x) tỷ lệ phí bảo hiểm.
Trong đó, tỷ lệ phí bảo hiểm/năm có một số thay đổi, đơn cử như:
- Rạp chiếu phim (điểm 5.2): 0,1% (hiện hành là 0,15% (điểm 3.2));
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (khoản 14): 0,5% (hiện hành là 0,35% (khoản 12));
- Nhà máy nhiệt điện (điểm 17.1): 0,15% (hiện hành là 0,1% (điểm 15.1));
- Nhà máy thủy điện và một số nhà máy điện khác (điểm 17.2): 0,12% (hiện hành là,07%(điểm 15.2));
Đồng thời bổ sung một số cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ với tỷ lệ phí bảo hiểm/năm như sau:
- Công trình tàu điện ngầm (khoản 12): 0,1% và 0,12%;
- Đài kiểm soát không lưu (điểm 12.3): 0,08%;...