Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) đánh giá cao công tác an sinh xã hội.
Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nước thời gian qua là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận. Cùng với đó, những điểm sáng nổi bật về an sinh xã hội, phát triển bảo hiểm tự nguyện vượt bậc trong năm 2019 đều được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
Chính sách người có công, xuất khẩu lao động, ASXH… thực hiện tốt
Các đại biểu đều thống nhất đánh giá, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nước đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc, sự ủng hộ, động viên về vật chất và tinh thần của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Việc nhất quán quan điểm "chống dịch như chống giặc", nguyên tắc "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch", đề cao truyền thống nhân văn cao cả của dân tộc theo các đại biểu Quốc hội, đã đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, kết quả kinh tế - xã hội năm 2019 thắng lợi toàn diện đã làm tiền đề rất tốt cho năm 2020.
Do đó, dù nửa đầu năm nay chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 song nước ta vẫn có nguồn lực để đầu tư và phát triển.
"Tăng trưởng kinh tế của nhiều nước âm thì Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 3,82%", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, nhiều yếu tố chưa thể lường định được hết, lần này Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà cố gắng để đạt mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020.
Theo bà Ngân, thu ngân sách sẽ giảm, thậm chí còn có thể hụt thu 100.000 tỷ đồng theo các phương án. Bội chi năm 2018 theo quyết toán thấp, chỉ 2,8% GDP; năm 2019 kiểm soát bội chi ở mức 3,5%; nhưng năm nay, bội chi sẽ tăng lên vì hụt chi và vì nhiều khoản chi cấp bách phải thực hiện.
Trong đó có gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ các trường hợp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, là khoản chi không có trong dự toán chi được thông qua từ đầu năm, mà phải sử dụng nguồn tăng thu năm 2019 và cả nguồn dự toán của năm nay, dùng cả ngân sách Trung ương và địa phương…
Cũng liên quan đến an sinh xã hội, thảo luận về báo cáo Kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá các vấn đề xã hội, đặc biệt là chăm sóc chế độ, chính sách người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, xuất khẩu lao động… từng địa phương đều thực hiện tốt.
Xuất khẩu lao động có chọn lọc, thu nhập cao cho người lao động
Đại biểu đơn cử như tỉnh Đồng Tháp, xuất khẩu lao động không chỉ tăng đều theo từng năm, mà còn xuất khẩu lao động đúng theo yêu cầu đặt ra, "đạt chỉ tiêu, không phải đưa đi ồ ạt để lấy số lượng", đại biểu nói và nêu rõ, ở đây, số lượng xuất khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ, mà cụ thể là Bộ LĐ-TB&XH đã có các định hướng, lựa chọn đúng thị trường trọng tâm, trọng điểm.
"Đó là xuất khẩu lao động có chọn lọc, đến các nước có chế độ thu nhập cao cho người lao động", đại biểu tỉnh Đồng Tháp đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh)
Theo đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đơn cử như thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản là 2 thị trường đang rất được Đồng Tháp quan tâm, vì chế độ rất cao. Xuất khẩu lao động của Đồng Tháp rất tốt, người dân phấn khởi.
Ông Hòa cho hay: "Một tháng, Đồng Tháp xuất khẩu cả ngàn lao động chứ ít đâu, mà không có trường hợp nào không đạt, các em về không ai không có công ăn việc làm".
Trong lĩnh vực này, Bộ LĐ-TB&XH có chiến lược đúng, trọng tâm trọng điểm, nhắm đến các thị trường tốt, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động, đại biểu đánh giá cao.
Tại tổ TPHCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) và các đại biểu đều đánh giá cao kết quả phòng chống Covid-19 thành công của Việt Nam, với mục tiêu kép. Ông Ngân cũng cho rằng, mục tiêu là phải giữ thành quả kiểm soát dịch bệnh, không chủ quan, lơ là.
Tiếp đến là ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt lên hàng đầu; Thứ 3, phải bảo đảm được an sinh xã hội, vừa qua đã triển khai rất nhanh các gói bảo đảm an sinh xã hội, tới đây cần làm tốt hơn.
Thứ 4, phải giúp doanh nghiệp giữ được chân người lao động. Và thứ 5, giải ngân vốn đầu tư công cần được đẩy nhanh, nếu giải ngân 700.000 tỷ đồng đầu tư công năm nay thì hiệu quả rất tốt, vì thu hút được đầu tư xã hội, giúp tăng trưởng.
Năm 2019, phát triển BHXH tự nguyện đạt con số bằng cả 10 năm
Còn đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu quan điểm, trong báo cáo của Chính phủ, phần bổ sung chỉ đưa ra số liệu, cần phải có tổng kết đánh giá sâu sắc hơn.
"Chưa năm nào tăng thu ngân sách như vậy, thu hút đầu tư FDI cải thiện, phát triển doanh nghiệp trong nước cũng có xu hướng tăng lên, việc làm, an sinh xã hội được cải thiện", ông Lợi nêu.
"Tôi chỉ thấy một điều, trong báo cáo Chính phủ cần phải có đánh giá kỹ hơn, để phân tích nguyên nhân tại sao chúng ta lại đạt được thành tựu như vậy, không phải chúng ta nhất thiết chỉ đưa ra con số "vượt", mà cần nêu lý do "vì sao" để có bài học kinh nghiệm", ông đưa quan điểm.
Theo đó, đại biểu tỉnh Thanh Hóa đưa ra ví dụ lĩnh vực an sinh xã hội: "Khi chúng ta bắt đầu đột phá và chỉ đạo sâu sát, như anh Dung biết đấy (Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung – PV), bắt đầu từ quý II/2018 - 2019, chúng ta bắt đầu tập trung xử lý vấn đề Bảo hiểm xã hội cho đối tượng tự nguyện".
Đáng nói, theo ông Bùi Sỹ Lợi, khi mà trong suốt 10 năm từ năm 2008 - 2018, phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ đạt có 250 nghìn người tham gia, thì riêng trong năm 2019, với cách làm sáng tạo, đã đạt con số bằng cả 10 năm.
"Đây chính là bài học chúng ta phải tổng kết, đánh giá để rút ra những chỉ đạo cho các năm tiếp theo", ông Bùi Sỹ Lợi dẫn chứng.
Ở góc nhìn khác, theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) và đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội), ngành cần sự hỗ trợ phục hồi nhất hiện nay là du lịch.
Song song với đó, cần đánh giá được thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 để có giải pháp, không phải chỉ là việc hỗ trợ người lao động mất việc trong ngắn hạn, mà căn cơ phải là vấn đề việc làm dài hạn của người lao động.
Việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách, siết chặt chi tiêu đầu tư, chi tiêu thường xuyên, giải ngân đầu tư công phải có trọng điểm, đây là vấn đề mà theo các đại biểu, cũng cần tính toán. Cái gì cần đẩy mạnh chi tiêu, cái gì phải hoãn lại, chứ không đơn thuần chỉ là việc thắt chặt chi tiêu, hoãn tăng lương.
Theo Thanh Nhung/dansinhvn.com