Theo Nghị định này, mang thai hộ chính danh tức là con sinh học của một cặp vợ chồng được mang trong tử cung của một người khác. Mang thai hộ được chỉ định trong trường hợp phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung. Phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Người sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Nghị định quy định, thỏa thuận mang thai hộ phải có thông tin đầy đủ, cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ của cả hai bệnh, lập thành văn bản có công chứng, có xác nhận của cơ sở y tế thực hiện và không được ủy quyền cho bên thứ ba.
Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ được đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.
Người mang thai hộ phải là thân thích, cùng hàng với Vợ hoặc chồng, đã có con, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tế và chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Cặp Vợ chồng mang thai hộ gửi hồ sơ đề nghị đến cơ sở khám, chữa bệnh được phép thực hiện với đầy đủ các cam kết, xác nhận, thỏa thuận theo quy định. Cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Người mang thai hộ được tư vấn về các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai, khả năng phải mổ lấy thai, khả năng đa thai, khả năng em bé dị tật và phải bỏ thai...
Cặp vợ chồng mang thai hộ cần hiểu rõ về các khó khăn khi thực hiện, chi phí cao, khả năng em bé dị tật, ảnh hưởng tâm lý... Tỷ lệ thành công của kỹ thuật có thể rất thấp nếu dự trữ buồng trứng của người vợ thấp hoặc người vợ trên 35 tuổi.