Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cho một Hà Nội hiền hòa

 
 
Hồ Gươm.
 
Nhớ lại những năm tháng trước, đường phố, nhà cửa còn đơn sơ, mộc mạc nhưng người Hà Nội vẫn giữ được nét tinh tế, lịch lãm để tạo nên không khí đón xuân riêng, kết thành một lối sống thanh cao. Từ lọ hoa, bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình đến hội xuân đường phố, cái đẹp nằm trong sự hòa hợp, chia sẻ, sang trọng, không bởi khoa trương.
 
Hà Nội nghìn năm tuổi là một chặng đường dài của lịch sử với biết bao di tích rêu phong cổ kính, như lời một bài hát của nhạc sĩ Phú Quang: “Chẳng thể nào qua hết từng con phố, rêu xanh bên những gốc cây già”.
 
Di sản Hà Nội, rất dễ để bạn nhắc tới Hoàng thành Thăng Long, cũng như lịch sử hình thành quá trình phát triển “Thăng Long - Hà Nội” không thể không nói đến khu phố cổ Hà Nội – một đặc trưng của đất văn hiến, một nhân tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, khu phố cổ Hà Nội luôn có sức sống riêng để thích nghi và phát triển, vừa bảo lưu được những nét riêng độc đáo.
 
Một chuỗi những công viên cây xanh đường phố có trên đời hàng trăm năm cũng đủ để góp vào nét đẹp Hà Nội hôm nay, cùng xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp. Công viên, vườn hoa, những hàng cây xanh đã tạo nên không gian công cộng mang tính văn hóa cao, như một gia tài vô giá đáng để người hà Nội tự hào và nhân rộng, sinh sôi nảy nở ở những khu đô thị cũ và mới.
 
Hà Nội có hệ thống mặt hồ tự nhiên độc nhất, có những cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, những đền chùa cổ kính… Đó là những chứng nhân lịch sử, có thể coi như điểm nhấn của truyền thống kiến trúc, văn hóa tâm linh. Bên cạnh đó, phần trung tâm Hà Nội vẫn tồn tại song hành 3 yếu tố: khu phố cổ, khu phố Pháp và thành Hà Nội, tạo nên cái đẹp rất riêng của Hà Nội. Giá trị tổng thể kiến trúc đó giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành cơ cấu đô thị đặc thù của kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội xưa. Trong đó, kiến trúc phố cổ là sự kế thừa và phát triển văn hóa tinh hoa mỹ thuật trong kiến trúc truyền thống của ông cha ta.
 
 
Cầu Long Biên.
 
Hiện nay, chúng ta đang thật sự lo ngại về những bất ổn trong quy hoạch, tạo nên những nốt nhạc lạc điệu, khiến nhiều cảnh quan thiên nhiên lâu đời  bị lấn chiếm, nhiều không gian công cộng bị xóa sổ hoặc trở nên nhếch nhác.
 
Chúng ta có nhiều nỗ lực lớn lao cho công cuộc xây dựng và làm đẹp Thủ đô. Từ những năm tháng khó khăn, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hà Nội đã là đô thị lớn theo nghĩa là vừa phát triển kinh tế, chú trọng đời sống dân sinh, vừa là một thành phố đẹp. Bằng ý chí và tình yêu, Thủ đô đã mở ra công viên Thống Nhất với Hồ Bảy Mẫu, hồ Thành Công, hồ Ngọc Khánh, cải tạo sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, đường Thanh Niên…
 
Mối quan tâm trăn trở về sự không cân đối giữa quá trình phát triển kinh tế và xây dựng đô thị với việc gìn giữ bản sắc truyền thống của Hà Nội là mối quan tâm lớn. Quy hoạch Hà Nội cần sâu sắc và cẩn trọng, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” còn mang vẻ đẹp trang nhã và hiền hòa, sự sầm uất và tươi vui, nét trầm lắng và hiền hậu, thuần phong mỹ tục của kinh thành Thăng Long – Đông Đô.
 
Chắc chắn đây là ước vọng của cả cộng đồng, mà sự khởi động và hành động không chỉ là một quyết tâm duy ý chí mà bằng một thái độ khoa học và cầu thị.
 
Hà Nội đang có tốc độ phát triển cao, người ta thích ùa ra mặt đường phố để xây nhà, mở cửa hàng. Nhiều khu chung cư đô thị mọc lên từ nội đô đến ngoại thành. Những thay đổi đã thừa nhận tính tích cực cho bộ mặt mới của Hà Nội trong đời sống, tiếp tế cho sự trẻ trung, hiện đại. Hà Nội phải chuyển mình, tự mình biết làm đẹp để tạo nên một không gian sống hoàn thiện về thẩm mỹ.
 
Đi qua nhiều đường phố ở Hà Nội bây giờ, nhiều người sẽ thấy những thay đổi rất đường đột. Sự gia tăng dân số ngày càng làm cho tổ chức môi trường sống thêm khó khăn, rất ít có các công trình kiến trúc và điêu khắc khả quan.
 
Nhiều người nói, không gian mỹ thuật công cộng giống như nội thất cho một ngôi nhà. Một không gian đẹp với những quy hoạch từ góc phố, công viên, quảng trường tới công trình điêu khắc, vườn tượng, tượng đài sẽ trở thành niềm vui, niềm tự hào, một phần tạo nên chất lượng sống của người dân, gây dựng tình cảm bền chặt với cộng đồng, phố phường, ngõ lối.
 
Mỹ thuật đô thị phải trở nên gắn bó máu thịt với sự phát triển bền vững của Thủ đô, nhận thức ấy cho chúng ta xây dựng thành phố của mình không những đàng hoàng hơn mà sẽ đẹp hơn.
 
Cái đẹp ở chính tầm nhìn của mỗi chúng ta hôm nay cho Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Vũ Tiến/Tạp chí GĐ&TE