Trên con đường đến huyện miền núi Nông Sơn, (Quảng Nam), chúng tôi bắt gặp chiếc thuyền chở người và hàng hóa. Dưới chân cầu Nông Sơn, họ họp chợ trên sông chỉ đôi phút trả giá trao tiền, giao hàng và chiếc thuyền lại đi đến vùng núi khác.
“Chợ nổi” này hoạt động chỉ vài phút. Những người lái đò từ huyện Đại Lộc, một huyện đồng bằng, vượt ngược dòng sông Thu Bồn lên vùng núi Nông Sơn. Họ đi từ 5 giờ sáng đến 9 giờ thì đến, sau đó lại đi đến các huyện khác và trở về bến huyện Đại Lộc chừng chập tối.
Ở huyện Nông Sơn có rất nhiều thôn, xã ở cách biệt, giao thông đi lại gặp muôn vàn khó khăn, cách xa trung tâm huyện, như xã Quế Trung, Quế Ninh, Quế Phước,…nằm trong vùng xả lũ, mỗi mùa mưa đến, nước sông dâng cao, làm thôn, xóm bị cô lập giữa bốn bề sóng nước. Đến khi lũ qua, hoa màu đều bị thiệt hại, đời sống muôn vàn khốn khó. Chính những “chợ nổi” này đã giúp đưa hàng hóa lên miền núi.
Ông Phạm Thương, 57 tuổi, người lái đò, đã chục năm chở hàng hóa lên vùng cao cho biết: “Những ngày mưa lũ không lên được, nên vừa rút mưa là lên để bán cho bà con thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu. Chúng tôi chở từ mớ rau, đến bí đỏ, ngô,…cho đến heo lên phục vụ bà con miền núi".
Điều đáng nói là “chợ nổi” nhưng chỉ độc nhất 1 con thuyền và vài thương lái và chợ chỉ họp mỗi tuần 1 lần.