Tổng cục DS KHHGĐ, (Bộ Y tế) vừa ban hành Dự thảo Luật Dân số lần 3, trong đó điều 11 của Dự thảo đề xuất nới lỏng chính sách giảm sinh.
Theo đó, trong phương án 1, điều 11 cho biết, quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về dân số và kế hoạch hóa gia đình được quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà nước về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh. Tuy nhiên, Nhà nước khuyến khích cặp vợ chhồng, cá nhân chỉ sinh đến hai con.
Bộ Y tế sẽ phải khảo sát, lắng nghe ý kiến của nhân dân về nới lỏng chính sách dân số.
Ông Trần Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Thanh Tra, Tổng cục DSKHHGĐ cho biết, Tổng cục đã lấy ý kiến nhân dân trong gần 1 năm gần đây. Kết quả cho thấy, số lượng người dân đồng thuận với phương án tự quyết định số con khá nhiều. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều ý kiến không đồng thuận. Do đó, để khách quan, Bộ Y tế sẽ phải khảo sát, lắng nghe sau đó mới đưa ra giải pháp.
Ông Nguyễn Văn Tân, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng, các cặp vợ chồng hiện nay đã tự đưa ra các quyết định sinh con một cách có trách nhiệm, từ sinh đông con, sinh dầy đã chuyển sang sinh ít con, sinh thưa.
“Ở góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ xây dựng các chính sách trên cơ sở các quyền căn bản của con người và phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội và sự phát triển của đất nước”, ông Tân nói.
Ông Tân khẳng định, Tổng cục DSKHHGĐ không khuyến khích, vận động gia đình sinh đông con, nhưng cũng không khuyến khích vận động các gia đình sinh 1 con hoặc không sinh con.
Vì vậy, để điều chỉnh chính sách dân số, Việt Nam phải nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, tránh tình trạng già hóa dân số, thiếu nhân lực ở độ tuổi lao động, tác động lớn đến kinh tế, xã hội.
Phương án 1, điều 11, Dự thảo Luật dân số đề xuất, vợ chồng tự quyết định số con
Là chuyên gia nghiên cứu về chính sách dân số, GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số cho biết, ông ủng hộ phương án này của Tổng cục .
Ông lý giải, hiện nay do mức sinh của Việt Nam đang ở thấp và chúng ta đã đạt và duy trì được mục tiêu mức sinh thay thế (mỗi cặp vợ chồng có từ 1 - 2 con) từ 2009 đến nay. Hơn nữa, sau hơn 5 năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, người dân Việt Nam đã được tuyên truyền và giáo dục rất tốt. Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phần lớn được giáo dục tốt, và trưởng thành. Do vậy, nên nới lỏng chính sách dân số cho các cặp vợ chồng.
Cũng theo ông Cử, hơn 50 năm qua, Việt Nam thực hiện chính sách giảm sinh đã đạt được mục tiêu “Mỗi gia đình chỉ có 2 con” một cách vững chắc. Người dân đã hiểu và nhìn nhận thấy lợi ích rõ ràng của mô hình gia đình nhỏ.
Mặt khác, từ 2015 trở đi, phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ, tuyệt đại đa số sinh từ năm 1975 trở lại đây. Đây là thế hệ mới, được giáo dục khá tốt. Thêm nữa, mức sinh không chỉ phụ thuộc chính sách, luật pháp mà còn phụ thuộc vào trình độ phát triển. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển mạnh về kinh tế xã hội tạo ra điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh.
Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, với tư cách là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký Công ước về “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”.