Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cho vay vốn tạo việc làm: Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Theo Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), giai đoạn 2016-2018, họat động cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng hiệu quả hơn, chất lượng tín dụng tốt hơn…

 

546.000 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm

Theo số liệu của NHCSXH đến ngày 30/9/2018, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nuớc ngoài từ quỹ quốc gia về việc làm là 14.599 tỷ đồng, tăng 7.670 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó: nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 4.497 tỷ đồng, tăng 64 tỷ đồng so với năm 2015 từ số tiền lãi thu được bổ sung cho Quỹ; nguồn vốn của địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm là 6.285 tỷ đồng, tăng 3.789 tỷ đồng so với năm 2015; nguồn vốn do NHCSXH huy động là 3.817 tỷ đồng.

Thông qua việc cho vay vốn trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay đã giúp cho trên 546.000  lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, giúp cho 3.677 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm.

Có thể thấy, giai đoạn vừa qua, ngoài việc tích cực huy động vốn và tổ chức triển khai thực hiện cho vay tạo việc làm và cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ Quỹ quốc gia về việc làm,  NHCSXH các cấp đã phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp tại địa phương trong suốt quá trình quản lý cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Cơ quan LĐ-TB&XH mặc dù không phê duyệt cho vay các dự án nhưng đều phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương để tham gia giám sát, kiểm tra các cơ quan thực hiện chương trình và hoạt động cho vay của NHCSXH.

Mặt khác, để tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, khắc phục khó khăn, tiếp tục có vốn để sản xuất, NHCSXH đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo việc xử lý nợ bị rủi ro chính xác, kịp thời, đồng thời bổ sung nguồn vốn tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất (giai đoạn 2016-2018 đã xóa nợ gần 15 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm).

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm và cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn. Đến nay, nguồn vốn ủy thác cho vay giải quyết việc làm của địa phương đạt trên 6.265 tỷ đồng đã vượt nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm (nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm là 4.497 tỷ đồng). Một số tỉnh, thành phố có nguồn vốn ủy thác cho vay giải quyết việc làm của địa phương lớn như: Hà Nội là 2.134 tỷ đồng; Bình Dương là 535 tỷ đồng; Thanh phố Hồ Chí Minh là 508 tỷ đồng; Bà Rịa- Vũng Tàu là 406 tỷ đồng; Đà Nẵng là 249 tỷ đồng; Vĩnh Phúc là 161 tỷ đồng; Hải Phòng là 128 tỷ đồng; Cần Thơ là 124 tỷ đồng; Đồng Nai 111 tỷ đồng.

 

Thanh niên được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm để mở rộng chăn nuôi


Nhiều khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó TGĐ NHCSXH, việc cho vay vốn hỗ trợ, tạo việc làm hiện vẫn gặp không ít những khó khăn, tồn tại.  Nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm rất hạn chế, hàng năm Ngân sách Nhà nước bổ sung vốn cho Quỹ rất ít, trong ba năm (năm 2016, năm 2017 và năm 2018) ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ, nguồn vốn của Quỹ chỉ được bổ sung một phần từ tiền lãi cho vay thu được (10% tiền lãi cho vay thu được từ Quỹ quốc gia về việc làm hằng năm), NHCSXH cho vay chủ yếu bằng vốn thu hồi nợ nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Hiện nay, đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc không phải là đối tượng quá khó khăn so với hộ nghèo nên việc ưu tiên cho đối tượng này được vay với lãi suất bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo là chưa hợp lý, dẫn đến tâm lý ỷ lại không muốn trả nợ đúng hạn của các đối tượng vay vốn và tạo sự không công bằng đối giữa các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ, tăng thêm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước khi phải cấp bù chênh lệch lãi suất huy động vốn để cho vay.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Một số doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ quan tâm đến số lượng, không quan tâm đến chất lượng lao động, không đào tạo định hướng, nên ý thức, trình độ tay nghề kém, sức khỏe không đáp ứng yêu cầu công việc dẫn đến một số người lao động phải về nước trước thời hạn hoặc tự ý trốn ra ngoài, bỏ về nước dẫn đến khó khăn cho NHCSXH trong việc thu hồi nợ…