Sinh viên “hụt hơi”, bỏ học, chuyển ngành
Sinh viên Quốc Anh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã đăng ký học Marketing khi nghe nhiều người bảo học ngành này khi ra trường dễ tìm được việc làm. Vào học rồi mới thấy không hợp nhưng em vẫn cố gắng. Đợt dịch Covid-19 phải học online khiến em càng chán. Kỳ vừa rồi, điểm trung bình hệ 4 chỉ đạt 2,80 nên Quốc Anh muốn đổi ngành khác phù hợp hơn.
Là sinh viên Khoa Quy hoạch (Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh năm học 2018 - 2019, Vũ Thị Quỳnh Thư (quê Đắk Nông) đã phải bỏ học để chuyển qua học ngành Sư phạm Anh sau khi trúng tuyển vào trường này năm 2021. Lý do, Thư thấy không hợp với ngành Quy hoạch. “Sự lúng túng khi chọn nghề mà chưa có định hướng rõ ràng khiến em đánh mất gần 3 năm”, Quỳnh Thư chia sẻ.
Hay như chuyện chọn ngành của Nguyễn Phương, cựu sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội đầy trắc trở. Năm 2016, Phương quyết định chọn ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Mở Hà Nội vì “thấy hay hay”. Nhưng khi vào học, những thuật toán, những phương trình số học thực sự là rào cản khiến Phương không có hứng thú học ngành này. Tốt nghiệp ra trường, Phương không xin việc mà học tiếp văn bằng hai ngành Điện trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sự lựa chọn ngành “phụ” với Phương lại thực chất là ngành chính vì đây mới là sở trường của em.
Định hướng ngành nghề sớm với học sinh có vai trò rất quan trọng, qua đó giúp các em hiểu được năng lực, sở thích và đam mê, từ đó theo đuổi ước mơ nhằm lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, không ít học sinh dù có tư duy và quan điểm rõ ràng về ngành nghề nhưng vẫn đăng ký ngành học mà bố mẹ đã định hướng, để rồi sau đó các em lại phải bắt đầu từ vạch xuất phát.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hệ lụy của việc chọn đại, học đại khiến không ít sinh viên chật vật việc học vì không thấy hứng thú. Thực tế, tỷ lệ sinh viên “hụt hơi”, bỏ học, chuyển ngành sau 2 năm từ 10 - 12%. Trong đó, số sinh viên chuyển ngành, bỏ học để thi lại ngành mình yêu thích chiếm không nhỏ.
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh năm 2019 cho thấy, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%; chỉ 5% học sinh hiểu biết về ngành chọn học; 20% hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề chọn học.
Những sai lầm cần tránh khi chọn nghề
PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Kết quả khảo sát 1.400 học sinh năm 2020 của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Giáo dục cho thấy, 40% học sinh đã xác định hướng nghề lựa chọn nhưng vẫn mơ hồ và chưa hiểu rõ về nghề; 25% học sinh không thống nhất được với cha mẹ về nghề đã chọn; 30% học sinh còn băn khoăn hoặc chưa chọn được nghề; 5% học sinh đã định hướng được nghề nhưng không phù hợp bản thân.
PGS, TS Trần Thành Nam chỉ ra 8 sai lầm của cha mẹ khi định hướng nghề nghiệp cho con như: Thiếu tôn trọng mong muốn của con; áp đặt với suy nghĩ “còn nhỏ chưa biết gì”; coi trọng hình thức nghề hơn giá trị nghề; bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề; sắp đặt toàn bộ lộ trình cho con; chọn nghề, hướng nghiệp không căn cứ vào khả năng của con; sử dụng tài chính để giúp con có việc làm; chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường.
Về phía học sinh, có 6 sai lầm khi chọn ngành nghề gồm: Dựa hoàn toàn vào năng lực học tập; chọn nghề theo trào lưu; chọn nghề vì lý do kinh tế; chọn nghề được xã hội trọng vọng; dành quá ít thời gian để tìm hiểu nghề nghiệp; tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học. Ông Nam đưa ra lời khuyên, học sinh hãy dành thời gian để khám phá bản thân, tìm lĩnh vực mình yêu thích; xác định môi trường học mà mình mong muốn, tham khảo cơ sở vật chất, chương trình học, tình hình kinh tế gia đình… từ đó đưa ra quyết định cuối cùng.
“Khi chọn trường, thí sinh nên hướng tới thị trường lao động 5 - 7 năm sau. Nhiều nghề có thể mất đi, bị thay thế bởi robot và không ít ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Đặc biệt, không có ngành học nào “hot” với tất cả thí sinh. Điều quan trọng là xác định nhóm ngành nghề phù hợp năng lực sở trường bản thân, nhu cầu của thị trường lao động”, PGS, TS Trần Thành Nam chia sẻ.