Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chọn mũ bảo hiểm cho trẻ

 
Trẻ nhỏ cũng cần đội mũ bảo hiểm để giữ an toàn. Ảnh: KT
 
Để bé đi mua mũ cùng
 
Mũ bảo hiểm, cũng như quần áo, muốn vừa vặn, bạn không nên tự ý mua mũ về cho con mà nên chở bé đi mua để trẻ cảm thấy thực sự thoải mái về cả chất lượng, kiểu dáng và màu sắc của chiếc mũ mà trẻ sẽ đội hàng ngày khi đi học và đi chơi.
 
Chứng nhận hợp quy
 
Nên nhớ, mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn sẽ dán tem hợp quy CR (QCVN 2) và ghi nhãn hàng hóa theo quy định: tên sản phẩm; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu; cỡ mũ; tháng năm sản xuất. Hãy tới các đại lý bán mũ bảo hiểm chính hãng để mua mũ cho con. Không mua mũ bảo hiểm trôi nổi, bán trên các vỉa hè.
 
Chọn mũ có khả năng chống va đập tốt
 
Chọn một chiếc mũ với vỏ ngoài là nhựa dẻo, khả năng chống va đập tốt, bao bọc bên trong là một lớp xốp nhẹ làm đệm dày khoảng 2,5cm để bảo vệ đầu trẻ khi chẳng may bị ngã xuống đường sẽ không chấn thương. 
 
Chọn mũ nhẹ
 
Với đặc điểm xương cổ còn yếu, thích thoải mái, có thể quay dọc, quay ngang khi ngồi trên xe máy, do đó, bạn nên chọn một chiếc mũ bảo hiểm có trọng lượng nhẹ, ôm gọn đầu cho các bé yêu nhà mình. 
 
Một chiếc mũ nặng vài trăm gam sẽ không khiến trẻ cảm thấy quá khó chịu. Nếu có thể, hãy mua mũ siêu nhẹ cho trẻ mặc dù giá thành của nó có thể sẽ cao hơn các loại mũ bảo hiểm thông thường. Với trẻ khoảng 13 tuổi trở lên là có thể đội mũ có kích cỡ của người lớn. 
 
Có lớp lót bằng thun co giãn
 
Một chiếc mũ lý tưởng thường có có lớp lót bằng thun co giãn, hoặc lưới giúp trẻ cảm thấy thoải mái và không bị bó vào đầu. Lớp lót thoáng khí sẽ giúp trẻ không bị đổ mồ hôi.
 
Dây đai chắc chắn
 
Mũ bảo hiểm an toàn phải có một dây đai quàng qua cằm an toàn, chắc chắn và có thể tăng giảm dễ dàng để trẻ dễ sử dụng.
 
Mũ có kính hoặc lưỡi trai
 
Nếu trường học gần nhà, bạn chỉ cần chọn mua cho trẻ một chiếc mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm hoặc cứng (loại tháo lắp được hoặc không tháo lắp được), tuy nhiên, độ dài của lưỡi trai không nên lớn hơn 50mm. Nếu chọn mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm. Nếu trẻ đi học xa, đường đi bụi bặm, bạn nên chọn mua cho trẻ chiếc mũ bảo hiểm có kính để tránh gió, bụi và mưa không hắt vào mặt. Tuy nhiên, với trẻ đeo kính cận, loạn thị thì loại mũ có kính có thể làm giảm thị lực của trẻ, bạn nên cân nhắc. Loại mũ bảo hiểm có kính giá thành cao hơn mũ bảo hiểm thông thường khoảng vài chục nghìn.
 
Màu sắc
 
Trẻ em thích các loại mũ màu sắc bắt mắt như xanh, đỏ, hồng, vàng... Hãy để trẻ tự ý lựa chọn màu sắc của chiếc mũ. Nếu trẻ không thể đi mua mũ cùng bạn, hãy hỏi ý kiến con về màu sắc chiếc mũ mà con yêu thích.
 
Những vụ tai nạn đau lòng gần đây trong đó có liên quan đến một số trường hợp trẻ em không đội mũ bảo hiểm đã gióng lên hồi chuông báo động đối với phụ huynh và nhà trường. Hãy nghiêm chỉnh thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi.

Khánh Linh/Tạp chí Gia đình và Trẻ em