Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chốn nghị trường, xin "quan anh","quan chị" đừng "chém gió"!

Căn bệnh “bổn cũ soạn lại”, “đại ngôn”, “chém gió”, “thao thao bất tuyệt”,... không chỉ phổ biến ở ngoài xã hội, mà nay nó đã len lỏi vào các nghị trường quan trọng.

 

Ảnh minh họa.

Vừa rồi, khi bàn về chuyện một số người có bằng cấp cao, thi công chức vẫn bị trượt, có một quan chức cho rằng: Tiến sĩ chưa chắc đã thi đỗ công chức. Phát ngôn trên đúng thôi, một tiến sĩ văn chương rất khó để trở thành một công chức tài chính, hay ngân hàng. Nói quá đúng, nhưng không thuận tai nhiều người là bởi, họ muốn được nghe vị quan chức trên nói những lời thâm thúy, trí tuệ, có tầm chiến lược chứ không phải tuồn tuột những điều “biết rồi…nói mãi” như vậy.

Rồi chuyện chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa đã được bàn luận rất nhiều và rất kỹ. Nhưng tiếc thay một số người khi được giao một chức vụ tầm tầm, đã tự cho mình là cao, là giỏi, thế là lĩnh vực nào cũng “liều mình như chẳng có”, “thừa thắng” xông vô. Nói năng, góp ý bạt mạng, thậm chí nói "tràng giang, đại hải", cuối cùng chẳng biết mình góp ý, xây dựng cái gì. Biết là nhạt nhẽo, vô bổ nhưng cứ có cơ hội là họ cứ đăng đàn khuyên răn, dạy bảo, nghe hay không nghe mặc kệ thiên hạ. Số người này xem ra ngày mỗi nhiều, nhất là những người được liệt vào dạng“không có gì để mất”, thì càng đầy rẫy, dào dạt những lời “đao to búa lớn” nhàm chán.

Cách đây cả thế kỷ, Lê nin khuyên: Học, học nữa, học mãi. Tiến sĩ, giáo sư nếu cứ khư khư ôm khối kiến thức cũ, tự cho mình là đỉnh, không chịu học tập, nghiên cứu ắt sẽ bị cuộc sống vượt qua. Cái bằng tiến sĩ danh giá thuở nào chỉ có giá trị lịch sử, trở nên vô nghĩa với hiện tại.

Ai đó nói: Bắn vào quá khứ bằng súng lục, sẽ bị tương lai bắn bằng đại bác. Đúng là phải trân trọng và biết ơn quá khứ. Nhưng không thể đem cái giáo điều, lạc hậu mòn cũ của quá khứ  ra dạy dỗ hậu sinh. Những kiến thức cũ rích, nhòe nhoẹt, những hành vi, việc làm gian dối dù có tân trang, đánh bóng bằng những lời hoa mỹ, có cánh cũng rất khó lòe, lừa được người đời. Trước khi đến với mọi người, hãy tự đánh thức và cảnh giác với chính mình. Không rõ một số người có thẩm thấu cái chân lý giản dị ấy không?.