Khối ngành kỹ thuật luôn có nhu cầu tuyển dụng ổn định.
Không đủ người để tuyển
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, cho biết: “Những lĩnh vực mà Navigos nhận được nhiều yêu cầu tuyển dụng gồm: điện, điện tử, dệt may, hóa chất, cơ khí, công nghiệp nặng, sản xuất ô tô - xe máy… Ngoài những vị trí nhân sự trung cao cấp như kỹ sư, giám đốc phân xưởng, giám đốc nhà máy, các vị trí như bán hàng kỹ thuật cũng có yêu cầu tuyển dụng rất nhiều. Có những dự án chúng tôi không tuyển đủ nhân sự cho doanh nghiệp”. Theo bà Vân Anh, năm 2014, nhu cầu tuyển dụng nhân lực lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ đứng đầu. Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật nên nhân lực chất lượng cao đang ngày càng được săn đón.
Ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc Công ty cổ phần giải pháp phần mềm Asoft, cho biết VN nằm trong tốp 10 nước hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương và 30 của thế giới về gia công và phát triển phần mềm. Theo báo cáo của Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu về công nghệ thông tin) trong năm 2014, TP.Hồ Chí Minh xếp thứ 7 và Hà Nội xếp thứ 22 trong tốp 100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm. Từ năm 2012, Việt Nam trở thành đối tác gia công phần mềm lớn thứ 2 của Nhật Bản. Những năm gần đây ngành công nghệ thông tin luôn phát triển với tốc độ cao (năm 2013 tăng 55,3% so với năm 2012) khiến cho nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này cũng tăng cao.
Bên cạnh công nghệ thông tin, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, Sở LĐ-TB&XH TP.Hồ Chí Minh, các nhóm ngành cơ khí tại TP.Hồ Chí Minh cũng đang được ưu tiên phát triển như: cơ khí khuôn mẫu, máy móc thiết bị điện, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp chế biến, sản xuất máy công cụ, quang học, đồng hồ… Lĩnh vực điện tử ưu tiên sản xuất các sản phẩm, linh kiện, thiết bị tin học, viễn thông, nghe nhìn, sản xuất phần mềm và nội dung số. Đối với ngành xây dựng, hiện đang thiếu nhân lực trình độ kỹ thuật và sơ cấp nghề.
Việc làm nhiều
Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ngành kỹ thuật rất được doanh nghiệp săn đón. Tiến sĩ Trần Cao Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh cho biết công nghệ thông tin và điện tử viễn thông là 2 ngành có đầu ra tốt nhất hiện nay của trường, trong đó tỷ lệ sinh viên công nghệ thông tin có việc làm cao nhất các năm gần đây.
Ông Nguyễn Vũ Anh Tuấn, Trung tâm hỗ trợ sinh viên và việc làm Trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, cũng thông tin trong năm 2014 nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại trường về lĩnh vực công nghệ thông tin nhiều nhất.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, nhìn nhận, dù kinh tế có suy giảm nhưng sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật công nghệ vẫn có việc làm ở mức rất cao. Đáng chú ý trong năm qua, rất nhiều doanh nghiệp đã đến tận trường để tuyển dụng.
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB&XH TP.Hồ Chí Minh), kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35% (cao nhất) trong tổng nhu cầu nhân lực các nhóm ngành nghề của TP.Hồ Chí Minh, với 70.875 vị trí việc làm hằng năm. Theo đó, từ nay đến năm 2020, các ngành điện tử - công nghệ thông tin cần 16.000 lao động mỗi năm, nhóm xây dựng - kiến trúc - môi trường cần 10.800 lao động, riêng cơ khí và công nghệ nông - lâm mỗi lĩnh vực cần 8.100 lao động... |