Mùa này, ngôi nhà sàn không cửa, rộng trên 120m2, nằm chơi vơi giữa đầm lớn Bà Tường gần 800ha của Hai Hùng tấp nập khách khứa. Số từ Bạc Liêu xuống, người bên Bến Tre qua, kẻ tận Dăk Lăk, Gia Lai cũng hí hửng ghé chơi một lần cho biết. Tất nhiên, món đặc sản ở đây được làm từ cá vồ chó, đưa cay với nước mắt quê hương “bình dân” tới no… thì nghỉ xả hơi! Ai cũng ham!
Hai ngày “du lịch” trong ngôi nhà sàn trên, chúng tôi đã nghe đầy ắp những câu chuyện thăng trầm của đời người, đời cá bên con vồ chó. Câu chuyện đầu tiên được Hai Hùng kể chính là cái tên con cá làm thành danh, thành tiếng của vùng này. Hai Hùng cho rằng, cái tên vồ chó được đặt chết danh có lẽ do lưng nó màu nâu xám, lại điểm xuyết những chấm trắng mờ mờ tựa như bộ lông con chó vện.
Còn Nguyễn Văn Tùng thợ săn cá vồ chó ở đầm Bà Tường lại kể câu chuyện về cái tính, cái nết của con vồ chó nghe như “phim”. Nào là, mùa này nước trong, tụi nó men theo cơn gió chướng từ ngoài biển chạy vô có bầy. Mình dễ tìm thấy “ổ rọ” hơn, nó na ná như ổ cá rô phi nhưng “lớn đại”. Có ổ bằng cái thúng, chứa nhiều rác vụn: cọng dừa nước tưa tải, nhánh bần khô nhỏ sắp hoai mục… Cỡ đó, “nằm ngủ” cũng hút 40 – 50 trự quây quần, dường như Tùng thuộc làu tính nết của giống cá lạ này. Nào là, tụi vồ chó, khôn như chó săn mấy ông ơi! Chúng nó thường núp trong bãi sò, ăn sò riết mập thây. Thấy nó dợn nước hà rằm trong đó, tui tức muốn chết!
Cá vồ chó có da như chó vện.
Nhớ lại ngày xưa, Tùng hào hứng khoe: “Tui từng tóm được một con nặng tới 4 ký. Mình nó tròn như cái gối, dài không quá 2 gang tay, hồi hai năm trước. Tụi lái, có trả giá cao tới trời tui cũng không bán. Mần đãi chí cốt nhậu chơi – có nghĩa hơn! Đầu nó béo động trời!” Dạo đó, “phải thời” mỗi ngày Tùng bỏ túi từ 5 trăm – 1 triệu đồng như chơi. Đang cao hứng, Tùng bỗng chùng xuống: đó là chuyện cũ, giờ “khó ăn của ngoại” hơn, do có nhiều người thuê bãi nuôi sò huyết. Họ cấm tiệt giàn lưới rút dài gần 200m của anh – bén mảng lại gần.
Để gỡ gạc, những khi rảnh rỗi, Nguyễn Văn Tùng còn đưa đò cho khách ra chơi nhà sàn Hai Hùng, kiếm vài chục ngàn/chuyến – dằn túi hút thuốc, càphê. Do lặn hụp quá nhiều, nên Tùng bị lãng tai khá nặng. Mỗi lần hỏi chuyện, phải nói oang oang Tùng mới nghe rõ.
Ngược ra chợ cá sông Ông Đốc, chúng tôi hỏi 4 – 5 tiểu thương có bán concá vồ chó không? Ai cũng lắc đầu. “Thịt chó ngon thấy mồ, ngu gì bán!”, chị Thuỷ pha trò. Đến khi đưa chị xem hình cá, chị mới ồ lên: “Tưởng gì! Con vồ biển mà. Nó có loáng (luồng), có khi có liền ba – bốn bữa, tới ba – bốn chục ký/ngày. Có lúc, cả chục ngày không gặp một con”. Được biết, thường những ghe lưới hoặc cào ngày ở đây giăng bắt được cá, giá cũng ngang với vùng Cái Nước.
Còn lão ngư Sáu Nên, ở cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, cũng cho biết: quê ông vẫn gọi nó là cá vồ biển. “Chúng thường tụ tập chỗ cửa biển Tân Thành, phía Gò Công Đông, Tiền Giang, để săn mồi và khoái ở trong bãi bùn. Tụi này, rất mê mồi còng, nên các ghe câu dễ “lượm” chúng”. Có điều, đa số cá vùng này nhỏ hơn, cỡ 300 – 600g/con. Do vậy, giá ghe rổi (chuyên thu mua tôm cá trên sông, biển) mua vào cũng rẻ hơn, khoảng 40.000 – 60.000 đồng/kg. “Nhiều ghe trúng 30 – 40 ký ngày, vậy cuộc sống họ có dễ thở hơn không chú? – Cũng đắp đổi qua ngày thôi, cảnh gạo chợ nước mua mà!”.