Người dân huyện Hưng Nguyên bất lực nhìn đồng ruộng khô nứt vì hạn hán.
Toàn bộ diện tích lúa của người dân các huyện: Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên đều phụ thuộc hoàn toàn vào mực nước của sông Lam thông qua trạm bơm điện. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, nhiều hộ nông dân lo lắng bởi hàng năm nước tưới vẫn hay bị thiếu, còn với tình trạng hạn hán năm nay thì chưa biết đối phó ra sao. Bà Nguyễn Thị Hoài, người dân xã Cát Văn (huyện Thanh Chương), than thở: “Nhiều tháng ni rồi có thấy giọt mưa mô. Giờ cũng phải chờ chứ biết làm cách chi được...”.
Từ đầu tháng 10/2015 đến nay, không có mưa lớn nên nhiều hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều trơ đáy. Bà Đặng Thị Vân, Phó phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: “Hiện tại mực nước ở các hồ đập đã xuống thấp. Bây giờ chỉ trông chờ vào thời tiết thôi. Huyện cũng đang chỉ đạo các xã tu sửa hồ đập và tưới tiết kiệm. Cũng không có cách gì khác”. Không chỉ khó khăn trong việc phục vụ nước tưới cho lúa vụ xuân, hiện nay việc tưới cho cây trồng cạn ở Nghệ An cũng gặp nhiều bất cập do yếu tố chủ quan. Trạm bơm Thanh Đức được xây dựng từ năm 2001 với mục tiêu tưới chè vùng này. Ban đầu trạm với 1 hệ thống ống dẫn khá đầy đủ, nhưng chỉ bơm được hai vụ đầu. Hơn 10 năm nay công trình này bị lãng quên, bởi nước vào trạm bơm không đủ do thiết kế không bơm nước ở sông mà bơm nước ở khe. Cùng với thời gian, do không có nước, hệ thống đường ống dẫn nước cũng bị bỏ quên và hư hỏng dần.
Vốn chuyên canh trồng chè, ông Mỹ- người dân vùng hưởng lợi dự án Trạm bơm Thanh Đức đau xót: “Mùa hạn hán vừa rồi do thiếu nước mà vườn chè của gia đình tui bị chết 9 ha, tiếc đứt ruột đứt gan, không biết mùa ni rồi ra răng, trồng được cây chè đến ngày thu hoạch có phải đơn giản mô, rứa mà... Đề nghị chính quyền huyện, tỉnh sớm có phương án khắc phục để giảm bớt thiệt hại cho người dân”.
Đường ống của công trình thủy lợi Thanh Đức hoen gỉ, hư hỏng vì không có nước.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương ghi nhận: “Năm nay khả năng thiếu nước tưới rất lớn, vì nước dự trữ các hồ, đập xuống mạnh. Mực nước trên sông Lam cũng rất thấp và phụ thuộc nhiều vào việc xả của các nhà máy thủy điện. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị với Sở NN&PTNT tỉnh về việc xả nước ở các thủy điện để đảm bảo cho nước tưới vụ hè thu, còn trạm bơm ở Thanh Đức là do trước đây thiết kế tính toán sai nên không vận hành được”.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay hạn hán sẽ diễn ra gay gắt hơn năm ngoái. Hạn hán là yếu tố khách quan, tuy nhiên để hạn chế thiệt hại thì trước hết phải khắc phục kịp thời những khó khăn thuộc về yếu tố chủ quan, như đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi, khắc phục tu sửa những công trình đã xuống cấp... để phục vụ công tác chống hạn.
Trạm bơm Thanh Đức bị bỏ quên 15 năm nay, trong khi nhiều diện tích chè trên địa bàn “chết khát”.