Nhiều loại "chống chỉ định" trẻ em
Vừa qua, thông tin Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một số trẻ em sau khi dùng miếng dán chống say xe phải nhập viện vì những triệu chứng rối loạn tri giác khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chị Ng.T.K.A. (30 tuổi) chia sẻ trên facebook: "Đọc mới hết hồn, con mình 7 tuổi cũng bị say xe, mấy lần đi xe khách đều ra nhà thuốc mua miếng dán, may là chưa bị sao". Status của chị nhận được nhiều chia sẻ, thậm chí có người cho biết con mình từng than mệt sau khi sử dụng thuốc say xe.
Tốt nhất đừng cho trẻ em dùng thuốc chống say xe. Nếu lỡ dùng, hãy đem trẻ đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện phản ứng bất thường tại chỗ hoặc sau đó.
Trao đổi với Báo Người Lao Động sáng 7/8, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: Việc trẻ nhập viện vì miếng dán say xe cũng xuất hiện "lai rai", nhất là trong những thời điểm trẻ theo gia đình đi du lịch. Nguyên nhân nhập viện chủ yếu là do các bé bị tác dụng phụ về mặt thần kinh của thuốc chống say xe.
Thuốc chống say xe, dù là dạng uống hay dán, luôn được thầy thuốc khuyến cáo không nên dùng cho trẻ em. Thành phần của các loại thuốc này hay dẫn đến những triệu chứng về mặt thần kinh như chóng mặt, nói sảng, hoảng loạn, tim đập nhanh…, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê, ngưng thở tuy hiếm gặp. Trẻ em dễ gặp các tác dụng phụ này hơn người lớn, đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi phát sinh tác dụng phụ, tốt nhất hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên rằng với miếng dán chống say tàu xe, thông thường chỉ sử dụng được cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và người lớn. Các loại thuốc chống say xe dạng uống đa phần chỉ phù hợp với người lớn. Trẻ em nếu có say xe cũng chỉ nên áp dụng các phương pháp dân gian để khắc phục, ví dụ như dùng gừng, chú ý tư thế ngồi…
Chống say xe bằng gừng: trên 2 tuổi
Phương pháp dùng gừng chống say xe mà bác sĩ Khanh nói ở trên cũng được nhiều bà mẹ "bỏ túi" như một kinh nghiệm truyền miệng. Thế nhưng, nhiều người cố bắt con ăn một lát gừng tươi và tỏ ra… bất lực bởi món này khá khó nuốt đối với cả người lớn, huống chi trẻ nhỏ.
Theo Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM, phương pháp dùng gừng để chống say tàu xe mà mọi người hay truyền miệng là một phương pháp được ứng dụng trong Đông y. Cách dùng tốt nhất là cho trẻ ăn mứt gừng, kẹo gừng, hoặc uống một ít nước gừng ấm pha đường. Tuy nhiên, chỉ nên dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Thực ra nhóm trẻ dưới 2 tuổi thường không bị ảnh hưởng bởi chuyện say xe nên phụ huynh có thể yên tâm.
Nếu con bạn đã trên 3 tuổi, có thể dùng thêm phương pháp day ấn huyệt hợp cốc và huyệt nội quan. Huyệt hợp cốc nằm ở mu bàn tay, phía trên ngã ba giao nhau giữa xương ngón cái và ngón trỏ một chút. Huyệt nội quan nằm giữa hai đường gân ở mặt trong cổ tay, cách lằn giao nhau giữa bàn tay với cổ tay khoảng 2 cm ở người lớn, tùy theo tuổi em bé mà lấy vị trí tương ứng. Bạn có thể tra cứu khá dễ dàng vị trí của hai huyệt này trên mạng, vì chúng khá phổ biến trong điều trị một số vấn đề sức khỏe thường gặp. Hai huyệt đạo này giúp giảm bớt cảm giác chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, ổn định thần kinh, ổn định nhịp tim…, từ đó chống lại cảm giác say xe.