Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chống tham nhũng “vặt”: Sẽ tính tăng lương cho cán bộ

Trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, “tới đây chúng ta sẽ tính toán xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức, đây là biện pháp cần thiết trong hình hình tham nhũng vặt đang khá phổ biến”.

ĐB Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) 

Tại phiên chất vấn, theo Thượng toạ Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), thời gian qua, các cơ quan Trung ương dưới sự chỉ đạo Tổng Bí thư đã quyết liệt chống tham nhũng và đã đạt được hiệu quả rất cao, được nhân dân đánh giá cao, cử tri, tăng ni phật tử tin tưởng.

“Nhưng đấy mới là ở cấp trên, còn ở cấp dưới biến động không nhiều, nhiều khi họ hoạt động theo kiểu mới, kín đáo hơn. Các cụ hay nói "quan tham, lại nhũng", cấp này gần dân hơn nên người dân phải chịu sự nhũng nhiễu”, Thượng toạ Quyết nói và đề nghị Thủ tướng nêu giải pháp đột phá để chống vấn nạn này.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ chống tham nhũng rất quan trọng. Vì vậy Bộ Chính trị đã thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. “Vừa qua chúng ta đã làm được nhiều việc, từ xây dựng thể chế cho đến điều tra những vụ việc cụ thể, xử lý nghiêm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho biết hiện Chính phủ đang tiếp thu ý kiến của QH để hoàn thiện Dự án Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Cùng với đó, giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức; giám sát việc tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, cấp Trung ương cũng cần phải làm gương mạnh mẽ vấn đề này.

“Tới đây chúng ta sẽ tính toán xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức, đây là biện pháp cần thiết trong hình hình tham nhũng vặt đang khá phổ biến”, Thủ tướng cho biết.

Vấn đề bằng cấp là một trong những tiêu chuẩn cứng được quy định rất cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm làm căn cứ để đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, xếp thang bảng lương cán bộ, công chức. Theo ĐB Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng), ngoài ý nghĩa tích cực, đây cũng là nguyên nhân chính làm cả xã hội “chạy” theo bằng cấp. Hệ quả, là không chọn được người thực tài, cán bộ, công chức cố đi học cho có bằng mặc dù công việc không cần thiết. Cơ sở đào tạo thì chạy theo số lượng, lãng phí nguồn lực không nhỏ của nhà nước và xã hội.

“Thủ tướng cho biết, giải pháp căn cơ để cơ quan nhà nước tuyển được người thực tài, đúng vị trí công việc và thay đổi nhận thức của cơ quan nhà nước và xã hội về câu chuyện bằng cấp”, ông Hiển nói.

Theo Thủ tướng, vấn đề “sính bằng cấp, không trọng người tài, đây là thực tiễn trong hệ thống, cũng như trong nhận thức của chúng ta. “Hôm nay có đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ở đây, chúng ta phải tính toán lại việc này.

Người thực tài, người thực, việc thực, giữa lời nói và hành động, tư duy và hành động rất cần thiết. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm chung trong nhận thức và hành động của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.