Anh có học vị tiến sĩ, là giảng viên chuyên ngành kỹ thuật của một trường ĐH tại TP.HCM. Chị là giáo viên dạy văn cấp 3.
Năm 2009, anh chị kết hôn. Khi con gái của hai người hơn ba tuổi, chị quyết định ra tòa ly hôn.
Tòa sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của chị. Anh kháng cáo mong hàn gắn. Mới đây, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử.
Nghĩ cưới rồi sẽ thay đổi
Chị kể, hai anh chị cùng quê, cùng vào TP học tập rồi nên duyên vợ chồng. Lúc yêu, anh đang là thạc sĩ và thường có những hành động vũ phu rồi chê chị yếu kém về học thức. Vì yêu, chị bỏ qua hết. Chị đồng ý lấy anh làm chồng cũng vì nghĩ rằng anh có học thức thì sẽ vì gia đình mà thay đổi tính tình.
Lúc chị mang thai hai tháng, mỗi lần anh bực chuyện gì bên ngoài là về nhà hắt hủi. Chị nói lại thì anh dang tay đánh. Vợ đang mang thai, mỗi lần chở đi đâu là anh phóng xe rất nhanh. Có lần anh chở làm chị té nhưng không xin lỗi, còn nói chị đáng bị như thế. Mỗi lần cãi nhau, anh lại lấy ảnh cưới ra rạch nát. Chị nhẫn nhịn chờ ngày con chào đời.
Con được hai tháng tuổi, anh nhận quyết định đi nghiên cứu sinh ở Nhật. Nghĩ cho tương lai, chị một mình gánh vác tất cả để anh yên tâm tu nghiệp. Ngày tiễn chồng, chị đã hy vọng anh đi xa sẽ biết trân trọng gia đình, thương nhớ vợ con. Hơn hai năm ở Nhật, những lần anh gọi về hỏi thăm vợ con chỉ đếm trên đầu ngón tay vì lúc nào cũng bận nghiên cứu. “Có mấy lần anh ấy gọi về, muốn nói chuyện với con nhưng bé còn nhỏ chỉ ê a rồi chạy đi chơi. Vậy là anh ấy hét trong điện thoại bảo tôi yếu kém, không biết dạy con”.
Từ ngày có học vị tiến sĩ, anh chê chị học thấp, không có sáng tạo, không biết trau dồi kiến thức. Anh bắt chị phải làm theo tất cả những gì mình đặt ra. Chị góp ý kiến, anh gạt ngang, chê chị học thấp phải biết lắng nghe. Hơn năm năm làm vợ, vì con chị phải nhẫn nhịn, hạ mình để con có cha. “Nhưng giờ thì khác, tôi không thể sống với một người chồng mà hằng ngày bị bạo lực cả thể xác lẫn tinh thần” - giọng chị nghẹn lại.
Tiến sĩ không dành cho gia đình
Ra tòa, chị nói: “Em không muốn phải hứng chịu những lời anh xỉ vả chỉ vì mình học không bằng anh. Con đường anh đi và con đường em đi không tìm được tiếng nói chung”.
Anh không chịu, nói rằng việc của anh là nghiên cứu, phải tìm tòi, sáng tạo. Có những lúc đang nghiên cứu một vấn đề, anh muốn thảo luận với vợ nhưng chị không hiểu. Hay có những khi bí bức trong nghiên cứu, muốn vợ gợi ý cho cũng không có…
Tòa nói anh hãy đưa ra lý do có thể hàn gắn gia đình. Anh nói: “Là một giáo viên dạy văn cô ấy không biết dạy con nói chuyện điện thoại với cha. Tôi chỉ sợ ly hôn, cô ấy nuôi con sẽ bị ảnh hưởng từ mẹ…”. Rồi anh nhìn sang chị: “Anh bây giờ là tiến sĩ rồi, công việc tốt, thu nhập cao và đã có nhà riêng. Lương của anh có thể cho em và con cuộc sống đủ đầy. Anh có thể làm tốt hơn thế nữa. Còn em, lương giáo viên ba cọc ba đồng làm sao nuôi con...”.
Nghe anh nói, vị chủ tọa cắt ngang: “Anh là một tiến sĩ nhưng đó chỉ là công việc và vị trí của anh ngoài xã hội. Với học vị đó, anh có thể vỗ ngực, hô to, chê trách người này, khinh bỉ người kia nhưng với vợ thì không được. Vợ không phải là học trò, là cấp dưới của anh nên phải biết tôn trọng, thương yêu và nâng niu. Hai vợ chồng mỗi người một công việc, anh không thể lấy công việc của mình để áp đặt cho vợ”.
Tòa phúc thẩm bác kháng cáo của anh, tuyên cho chị được ly hôn.
Trình trạng hôn nhân lệch pha, nhất là lệch pha về kiến thức dẫn đến ly hôn đang có xu hướng gia tăng. Lúc yêu nhau, có thể cả hai cùng hoàn cảnh, cùng tính cách. Lúc này, cả hai người không nghĩ đến chênh lệch về học vấn và nhận thức. Thế nhưng càng bước sâu vào cuộc sống hôn nhân, với những lo toan cuộc sống, cần sự đồng cảm, chia sẻ thì sự chênh lệch về học vấn, nhận thức, hiểu biết mới rõ nét. Lúc này sự tác động về ngoại cảnh, gia đình, bạn bè… rất dễ dẫn đến ly hôn. Thường người trong cuộc có tâm lý thà bỏ tiền mua cái áo mới mặc sẽ sướng hơn là mặc một cái áo rách có nhiều mảnh vá.
Tuy nhiên, nếu cả hai vợ chồng có thể hòa hợp, ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết thì cuộc hôn nhân lệch pha về kiến thức vẫn có thể hạnh phúc bền lâu. Người học cao hơn thì nên giúp người còn lại tiếp thu kiến thức hoặc động viên đi học thêm để bổ sung kiến thức cho mình nếu thấy có sự chênh lệch về kiến thức quá lớn. Tuy nhiên, chưa chắc trình độ học vấn cao đã có nhận thức cao và ngược lại.
Trình trạng hôn nhân lệch pha, nhất là lệch pha về kiến thức dẫn đến ly hôn đang có xu hướng gia tăng. Lúc yêu nhau, có thể cả hai cùng hoàn cảnh, cùng tính cách. Lúc này, cả hai người không nghĩ đến chênh lệch về học vấn và nhận thức. Thế nhưng càng bước sâu vào cuộc sống hôn nhân, với những lo toan cuộc sống, cần sự đồng cảm, chia sẻ thì sự chênh lệch về học vấn, nhận thức, hiểu biết mới rõ nét. Lúc này sự tác động về ngoại cảnh, gia đình, bạn bè… rất dễ dẫn đến ly hôn. Thường người trong cuộc có tâm lý thà bỏ tiền mua cái áo mới mặc sẽ sướng hơn là mặc một cái áo rách có nhiều mảnh vá. Tuy nhiên, nếu cả hai vợ chồng có thể hòa hợp, ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết thì cuộc hôn nhân lệch pha về kiến thức vẫn có thể hạnh phúc bền lâu. Người học cao hơn thì nên giúp người còn lại tiếp thu kiến thức hoặc động viên đi học thêm để bổ sung kiến thức cho mình nếu thấy có sự chênh lệch về kiến thức quá lớn. Tuy nhiên, chưa chắc trình độ học vấn cao đã có nhận thức cao và ngược lại. Chuyên gia tư vấn tâm lý TRẦN THỊ TÂM NHÀN, giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Theo số liệu tổng kết số án hôn nhân và gia đình tại TP.HCM trong năm 2014 là 22.989 vụ, tăng trên 1.300 vụ so với năm trước. Theo Thẩm phán NHN, thẩm phán TAND quận 4, cho biết hiện nay các án ly hôn ở các quận, huyện tại TP.HCM đang ngày càng tăng, chiếm khoảng 30% trên tổng các án mà các tòa thụ lý. |