Tôi chép miệng thèm thưởng thức mùi vị loại rau hoang dã ấy đến vô ngần. Và nhớ đến kỷ niệm những ngày thơ ấu.
Rau đắng nấu canh, món ăn dân dã gợi nhớ quê hương.
Cũng trong cái nắng cay nghiệt này những năm tôi còn ấu thơ, trong những bữa cơm thường ngày, má tôi hay nấu canh rau đắng. Má nói rau tuy đắng nhưng là loại thực phẩm giải nhiệt đại tài. Vì thế cả nhà ai cũng xì xụp khoái trá ăn món canh “khó nuốt” này.
Thời gian qua nhanh, tôi lớn dần theo năm tháng. Và, sau những lần thử ăn những thức ăn có vị đắng như khổ qua, tôi mới bắt đầu làm quen với rau đắng. Và rồi trong tôi lại dậy lên thiện cảm với nó. Vị đắng ấy đã làm dịu mát cơ thể tôi, sức nóng của nước canh như làm tan đi sức nóng của đất trời.
Rau đắng nấu canh được thực hiện khá đơn giản. Rau đắng rửa sạch, để ráo. Cá lóc làm sạch hoặc tép bạc lột bỏ vỏ rửa sạch để ráo. Bắc nồi nước trên bếp, nấu sôi, thả cá lóc hoặc tép bạc vào. Nước sôi vài dạo, nêm nếm vừa ăn, thả rau đắng vào, trộn đều, nêm nhanh lại, nhắc xuống, múc ra tô, dọn ra bàn ăn ngay. Thấy má làm vậy, tôi thắc mắc sao không nấu cho thiệt chín. Má cười bảo rau đắng “nhát lửa”, để lâu trên bếp sẽ dai, ăn mất ngon.
Rau đắng má thường hay nấu là rau đắng biển, mọc quanh năm bờ mương, bờ nước. Vào mùa nắng rực rỡ như bây giờ, có một loại rau đắng hoang dã khác trồi mọc trên những thửa ruộng hoặc bờ đê nứt nẻ. Đó là rau đắng đất. Loại rau nầy cho ta vị đắng hậu ngọt ngon hơn rau đắng biển nhiều. Và nó đã trở thành ký ức khó phai đến đỗi nhạc sĩ Bắc Sơn phải “kêu lên”: “Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm. Chợt thèm rau đắng nấu canh”.