Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chủ động mở cửa, biến "nguy" thành "cơ"

(Dân sinh) - Những động thái gần đây của Việt Nam cho thấy, xu hướng "mở cửa" đang ngày một rõ ràng hơn, dù cho dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được đẩy lùi, nhiều nguy cơ vẫn đang tiếp tục rình rập.

Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên toàn thế giới mạnh dạn "mở cửa từng phần" vào thời điểm vẫn còn rất "nhạy cảm" này.

Bởi nếu vẫn tiếp tục "đóng cửa" trong tâm thế lo sợ thì rất nhiều cơ hội sẽ vuột qua tầm tay, nhiều khó khăn sẽ thêm chồng chất kể cả khi dịch Covid-19 chính thức bị chế ngự.

Hiện giờ, những chuyến bay thương mại đầu tiên sau khi dịch Covid-19 bùng phát đã được thực hiện. Mặc dù chỉ mới bay tới 6 quốc gia với tần suất 2 chuyến/tuần, nhưng có thể thấy đây chính là chỉ dấu hiệu rõ ràng nhất về nỗ lực chủ động mở cửa của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, khách nhập cảnh là người có hộ chiếu ngoại giao, công vụ, thân nhân, chuyên gia, kỹ thuật, nhà quản lý thực hiện cách ly 5 ngày.

Chủ động mở cửa, biến "nguy" thành "cơ" - Ảnh 1.

"Mục tiêu kép" mà Việt Nam quyết theo đuổi, đó là phòng chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả và vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Không đợi đến khi những chuyến bay thương mại được chính thức nối lại, trong thời gian qua, một số địa phương đã tìm cách tạo điều kiện cho lực lượng chuyên gia từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, sớm xúc tiến công việc của mình sau thời gian cách ly. Đơn cử như tại tỉnh Bình Dương, thời gian qua đã có hơn 2.600 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, và hiện đang có hơn 3.000 chuyên gia ở nước ngoài đang làm các thủ tục để đến Bình Dương trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hơn một lần khẳng định "mục tiêu kép" mà Việt Nam quyết theo đuổi, đó là phòng chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả và vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu cần cố gắng phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021, mà theo dự kiến sơ bộ, có thể ở mức khoảng 6 - 6,5%.

Ngay giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng loạt ca nhiễm mới trong cộng đồng tăng từng ngày, mục tiêu đó đã được đặt ra và quán triệt. Giờ đây, khi về cơ bản, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, chúng ta càng có cơ sở để đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bởi đó là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp phá sản, người lao động bị mất việc.

Mở cửa giao thương là một trong những yếu tố hàng đầu để khôi phục kinh tế. Quyết định mở cửa rất phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Cần phải có những cuộc bứt phá, tăng tốc trong những tháng cuối năm 2020 để các doanh nghiệp, địa phương có thể bù lại những tổn thất trong thời gian qua.

Các bước khôi phục hoạt động kinh tế, chào đón các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài cần được các địa phương triển khai khẩn trương, hiệu quả, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn với các biện pháp chủ động phòng dịch. Bên cạnh việc mở cửa giao thương với nước ngoài, các doanh nghiệp và người dân cũng cần mạnh dạn đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tiêu dùng. Hàng không và các ngành khách sạn, nhà hàng, dịch vụ hồi sinh chính là góp phần quan trọng cho sự phục hồi nền kinh tế đất nước.

Trong khi nhiều nước vẫn còn "đóng cửa" vì lo sợ dịch Covid-19 tái bùng phát, sự chủ động mở cửa một cách có kiểm soát của Việt Nam chính là một chủ trương sáng suốt và quyết đoán, nhằm nắm bắt những lợi thế mà thời cơ mang lại – biến "nguy" thành "cơ" một cách hiệu quả.