Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao

Năm 2016, ngành LĐ -TB&XH đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đạt được nhiều kết quả toàn diện trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH Đào Ngọc Dung đã dành cho PV Báo LĐ&XH cuộc trao đổi về những kết quả đạt được năm 2016; kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2017.

Xin Bộ trưởng cho biết kết quả   triển khai nhiệm vụ của ngành năm 2016?

-  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2016, bên cạnh những thuận lợi nước ta phải đối đầu với nhiều khó khăn, thách thức lớn: Tình hình thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, gần đây nhất là miền Trung phải chịu nhiều đợt mưa lũ bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt, toàn ngành LĐ -TB&XH đã nỗ lực triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Về công tác xây dựng thể chế, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội, hoàn thành 100% chỉ tiêu đặt ra. Trong  thực hiện chính sách người có công, Bộ đã tập trung chỉ đạo giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, đặc biệt đối với các trường hợp không còn giấy tờ: Xây dựng quy trình giải quyết theo từng tình huống cụ thể và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An. Đến nay, 5 địa phương này đã hoàn thành việc xem xét 86 hồ sơ, trong đó có 57 hồ sơ liệt sỹ chống Pháp, 18 hồ sơ liệt sỹ chống Mỹ và 11 hồ sơ thương binh và người hưởng chính sách như thương binh...mở ra hướng đi mới nhằm tiến tới giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị công nhận người có công. Bộ đã đề xuất và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà ở người có công với cách mạng với kinh phí khoảng 7.300 tỷ đồng thực hiện trong 2 năm 2017- 2018.

Ngày 17/5/2016, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Ki Kweon đã ký kết Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình việc làm EPS.      Ảnh: QĐ


Năm 2016, chúng ta đưa đi làm việc ở nước ngoài hơn 126.000 người, đây là lần đầu tiên  xuất khẩu lao động cán đích và đạt 126% kế hoạch đề ra và là con số cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này. Đặc biệt, nhiều thị trường mới được khôi phục, khai thông như Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, việc Chính phủ giao Bộ LĐ -TB&XH thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ ngày 1/1/2017 đã giải quyết được những bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích tính chủ động, tự chủ của các cơ sở dạy nghề. Đây cũng là điều kiện tạo cơ hội cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp với 1.989 cơ sở trên cả nước phát triển đồng bộ, gắn chặt hơn với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong tình hình mới.

 Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai với khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đổi mới về giải pháp, phương thức thực hiện, chuyển đổi phương pháp đo lường, xác định hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, sự vươn lên của các hộ nghèo, tỷ lệ nghèo cả nước đến cuối năm 2016 giảm khoảng 1,3 - 1,5% so với cuối năm 2015 (còn khoảng 8,38 - 8,58%); các huyện nghèo theo Chương trình Nghị quyết 30a giảm bình quân 4% (còn khoảng 46,4%), đạt chỉ tiêu Quốc hội giao...

Vậy đâu là khó khăn, thách thức? Là Bộ đa lĩnh vực, các lĩnh vực mà Bộ  LĐ -TB&XH phụ trách đều liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân, thách thức còn nhiều và rất nhiều. Chúng ta có hơn 8,8 triệu người có công, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, mà còn một bộ phận nhỏ người có công vẫn chưa được hưởng đầy đủ các chính sách như mong muốn của Đảng, Nhà nước. Rồi vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động tại các doanh nghiệp. Việc nâng lương làm sao để hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động? Số người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp là 202.300 người, số thất nghiệp của nhóm cao đẳng chuyên nghiệp là 122.400 người, trung cấp chuyên nghiệp là 73.800 người mà Bản tin Thị trường lao động quý 3/2016 đưa ra, là hệ lụy rất lớn từ việc đào tạo không gắn với nhu cầu của thị trường...

Rõ ràng để giải quyết tình trạng này, không chỉ tìm kiếm thị trường lao động mà còn phải tập trung vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và  dạy nghề; dự báo nhu cầu việc làm nữa. Rồi vấn đề tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, xóa đói giảm nghèo áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều….đây đều là các vấn đề mà mọi người, mọi ngành và cả xã hội phải chung vai gánh vác, trong đó có ngành LĐ -TB&XH chúng ta.

Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ 1/1/2017. Để làm tốt nhiệm vụ này trong năm 2017, theo Bộ trưởng cần tập trung triển khai những nhiệm vụ nào?

- Trước tiên cần hiểu rằng, Chính phủ giao Bộ LĐ -TB&XH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, chứ không phải Bộ là cơ quan chủ quản các trường cao đẳng và trung cấp nghề. Hiểu một cách đầy đủ là Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan được Chính phủ phân công thực hiện chức năng quản lý này. Các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề vẫn thuộc sự quản lý của các bộ, UBND các tỉnh, thành phố hay các doanh nghiệp, các hội, đoàn thể...Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã được quy định cụ thể trong nghị định 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 và các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ LĐ-TB&XH. Theo tôi, đây là trách nhiệm nặng nề Chính phủ đã giao và Bộ phải làm tốt nhiệm vụ này.

Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, định hướng của Chính phủ là cần giảm dần sự can thiệp của các bộ, UBND các tỉnh, thành phố vào các trường, cơ sở dạy nghề, từng bước đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao toàn diện giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, Bộ tập trung vào những vấn đề cốt lõi như: Quy hoạch phát triển mạng lưới; vấn đề đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đổi mới chương trình giảng dạy nghề nghiệp, việc học liên thông trong các cơ sở giáo dục nghề, phân luồng học sinh học nghề tới năm 2020, liên kết giáo dục nghề với doanh nghiệp, dự báo thị trường lao động; việc tiếp nhận chuyển giao đưa vào giảng dạy học tập theo 34 chương trình, giáo trình chuẩn quốc tế… tăng số người tham gia học nghề và  đáp ứng nhu cầu về bằng cấp nghề nghiệp cho người học nếu họ có nhu cầu học lên cao.

 Định hướng trong dạy nghề là giảm thành lập trường công lập, khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư phát triển dạy nghề, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp ở mọi khâu đào tạo...Làm sao để người học tốt nghiệp trường là có việc làm và thu nhập phải tốt hơn, không để tình trạng đào tạo ra không có việc làm, thất nghiệp gây lãng phí nguồn lực...

 Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo  giai đoạn 2016 - 2020 bắt đầu áp dụng tiêu chí từ đơn chiều sang đa chiều để đo lường mức độ nghèo. Xin Bộ trưởng cho biết hướng triển khai sẽ như thế nào?

-  Chương trình giảm nghèo, có thể nói đó là thành tựu rất lớn trong 15 năm qua. Việt Nam đạt được 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ đã cam kết với Liên hợp quốc, trong đó có việc xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực. Tại Hội nghị triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “5 năm qua (2011 - 2015) chúng đã tạo ra thành quả rất to lớn trên lĩnh vực giảm nghèo...”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công cuộc xóa đói giảm nghèo vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Qua đánh giá các tiêu chí đã được ban hành và tiếp cận tiêu chí nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo  cả nước còn 9,88%, cận nghèo còn 5,22%, 64 huyện nghèo trong Chương trình 30a còn trên 50%, có những huyện tỷ lệ trên 70% (qua rà soát theo tiêu chí mới). Đó thực sự là những thách thức lớn ở những năm tiếp theo khi chúng ta triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững.Để hình dung ra cái sự gian khó của công cuộc xóa đói giảm nghèo, có thể ví như người leo lên đỉnh Fanxipan mà không dùng cáp treo. Phải chăng 1/3 chặng đầu, dốc chưa cao, sức khỏe đang tốt, năng lượng dư thừa, người leo núi có thể chưa mệt  nhưng 2/3 chặng còn lại mới là gian khổ vì sức người đã giảm, đường leo lại dốc đứng…Rất mệt, phải quyết tâm, ý chí rất cao mới tiến lên đỉnh được. Xóa đói giảm nghèo cũng vậy, cuộc chiến chống đói nghèo còn gian nan và ngày càng khó khăn hơn, vì theo phân tích 76% hộ nghèo là nghèo thu nhập. Bên cạnh đó, vẫn khoảng cách thu nhập giữa đồng bào miền núi với vùng cao với miền xuôi, và có xu thế ngày càng giãn ra. Lõi đói nghèo vẫn tập trung khu vực đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, đặc biệt ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cháu Trần Khánh Vân, con gái liệt sĩ Trần Quang Khải.           Ảnh: Anh Tuấn


Ngày 6/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị  số 01/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, cần tập trung vào các nhóm vấn đề: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; Tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao; Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; Đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi và tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình giảm nghèo một cách có hiệu quả; Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo (xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản ĐBKK vùng dân tộc thiểu số và miền núi; áp dụng cơ chế đặc thù rút gọn đối với một số dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của nhân dân; thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình. Khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn; phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng nghèo; nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng; Mở rộng hợp tác trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với các tổ chức quốc tế, cả đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình; Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình: các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; có cơ chế tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện. Địa phương nào để xảy ra hiện tượng tiêu cực, thất thoát lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn của Chương trình, không hoàn thành kế hoạch được giao thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Những tháng cuối năm 2016 xảy ra tình trạng học viên gây lộn xộn tại một số cơ sở cai nghiện ma túy tập trung, Bộ trưởng đã trực tiếp vào cuộc cùng địa phương ổn định tình hình. Vậy, để có những chuyển biến trong công tác cai nghiện thời gian tới, theo Bộ trưởng cần tập trung nhóm giải pháp như thế nào?

- Để tạo chuyển biến trong công tác cai nghiện năm 2017, tôi cho rằng cần phải tính lại mô hình cai nghiện cho phù hợp, đồng thời phát triển hệ thống cai nghiện, có dịch vụ đa dạng, tiện ích, thân thiện. Nghị quyết tháng 12/2016 của Chính phủ đã yêu cầu: Các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy. Trong đó tập trung một số giải pháp:

Nhận thức sâu sắc tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy gây ra hậu quả nghiêm trọng, cả hệ thống chính trị và toàn dân phải tích cực đấu tranh, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội; Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục không được lơ là của các cấp ủy đảng, chính quyền; huy động sức mạnh toàn dân tham gia đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; Tập trung thực hiện mục tiêu 3 giảm: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; trong mọi tình huống phải đảm bảo kinh phí cho công tác cai nghiện ma túy, tăng cường huy động thêm các nguồn lực của Trung ương, địa phương và xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện tốt công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy. Trong đó, sử dụng đầy đủ ngân sách Trung ương hỗ trợ (không được chuyển đổi mục đích sử dụng), bố trí bổ sung ngân sách địa phương bảo đảm cho công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy;  UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương thực hiện nghiêm việc chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội (Trung tâm 06) trên địa bàn thành các Cơ sở cai nghiện, hoàn thành chậm nhất trong quý I/ 2017… góp phần tạo sự chuyển biến trong công tác cai nghiện trong thời gian tới.

 Thưa Bộ trưởng, năm 2017 ngành LĐ -TB&XH sẽ tập trung đột phá các lĩnh vực nào?

- Năm 2017, Bộ LĐ -TB&XH sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới phù hợp;  tạo đột phá trong lĩnh vực người có công, tập trung rà soát số liệu thống kê đối tượng thanh niên xung phong, chất độc hoá học, giải quyết cơ bản hồ sơ đang còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công theo quy trình tính chất cá biệt đã được thí điểm tại 5 tỉnh. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ... với tinh thần là “Năm Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân của cả nước đối với thế hệ những người đã ngã xuống. Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2...

Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội phù hợp với Hiến pháp năm 2013.  Trong đó, năm 2017 triển khai thực hiện tốt chủ đề: “Năm Đền ơn đáp nghĩa” với 3 khâu đột phá cơ bản:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội; Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động phù hợp với các hiệp định thương mại và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; tiếp tục xây dựng, trình ban hành văn bản hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Trẻ em; rà soát, tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; nghiên cứu, tiến tới xây dựng Luật Người có công...

Thứ hai, thực hiện giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng về thương binh, liệt sỹ; hỗ trợ nhà ở cho người có công, tổ chức tốt kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Thứ ba, đột phá mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, giảm nghèo, lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội. Rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới thay thế cho phù hợp, theo hướng gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chú trọng tính hiệu quả, chất lượng chính sách là cơ sở cho việc đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 Nhân dịp năm mới 2017, Bộ trưởng gửi gắm tâm sự gì với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành LĐ-TB&XH?

- Năm 2016, để hoàn thành những kết quả toàn diện nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân, là nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ tôi trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến trong năm qua của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị trực thuộc ngành LĐ-TB&XH. Năm 2017, nhiệm vụ của ngành rất nặng nề, do vậy các Cục, Vụ, Viện của Bộ, các Sở LĐ -TB&XH  cần tiếp tục khắc phục vượt qua khó khăn, tích cực chủ động, sáng tạo hơn trong công việc, để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp năm mới và Tết cổ truyền Đinh Dậu, xin gửi tới các đồng chí và gia đình lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017), Bộ LĐ - TB&XH trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về: “Tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động Đền ơn đáp nghĩa trong thời kỳ mới”. Các hoạt động kỷ niệm gồm: Tổ chức cầu truyền hình giao lưu nghệ thuật tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công tại 5 điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Điện Biên và Thái Nguyên, dịp 27/7; tổ chức Lễ mít tinh cấp Nhà nước kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, biểu dương 700 đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu tại Hà Nội...