Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và công tác bầu cử

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và Quốc hội nói chung, công tác bầu cử nói riêng. Đó là di sản quý báu của Người đang nóng hổi tính thời sự trong việc chỉ đạo cuộc bầu cử, diễn ra trên cả nước. Tư tưởng chỉ đạo của Bác đảm bảo dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bài 1- Bác Hồ với tổng tuyển cử bầu Quốc hội

1. Sắc lệnh số 14/SL về việc tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội) ký ngày 8/9/1945 nêu rõ: "Xét trong tình thế hiện giờ sự triệu tập quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống ngoại xâm". Đây là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầu tiên chuẩn bị cho Tổng tuyển cử bầu cơ quan quyền lực cao nhất, nhằm bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám, từng bước hoàn chỉnh việc xây dựng và củng cố chính quyền, bảo đảm mọi quyền lợi của Nhân dân, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với chế độ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà"… "Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết"; do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân.

Bác viết trên báo Cứu quốc ngày 31/12/1945, để giải thích về ý nghĩa Tổng tuyển cử, "hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là người Việt Nam thì đều có quyền đó".

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và công tác bầu cử - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đi bầu cử. 

Ảnh tư liệu.

Trước ngày đi bầu cử, Bác Hồ động viên Nhân dân trực tiếp đi bầu cử. Người khẳng định: "Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn". Vì thế mà "ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do", "Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ"... Bởi lẽ, "Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây ta mới giành được độc lập… Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó".

Cùng với tuyên truyền để Nhân dân hiểu rõ giá trị của bầu cử, Bác Hồ còn động viên, kêu gọi những người có tài, có đức ra ứng cử, đóng góp sức lực cho đất nước. Người viết: "…Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến… sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ". Với lời lẽ giản dị, xúc động, lời kêu gọi toàn dân đi bầu cử của Hồ Chí Minh đã thấm vào trái tim của từng người Việt Nam, khích lệ, động viên toàn thể quốc dân đồng bào vui vẻ, hứng khởi đi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của một dân tộc tự do, độc lập.

Ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thắng lợi trong cả nước, bất chấp bom đạn của thực dân Pháp và sự phá hoại của các lực lượng phản động. Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí sắt đá nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Tổng tuyển cử là "kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc". Phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội phát triển dân chủ với Nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của Nhân dân. Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết...". Người mong rằng Quốc hội phải cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình trước Nhân dân. Và để làm được điều đó: "… Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội". Trong quá trình đó một mặt phải phát huy vai trò đại diện của đại biểu Quốc hội nhưng mặt khác người dân phải phát huy quyền của mình. Người khẳng định: "Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri..." và "Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân".

2. Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, đã lưu giữ lại cho chúng ta những nội dung Bác đã dày công nghiên cứu hiểu rõ vai trò của cán bộ trong sự nghiệp nói chung và vai trò của đại biểu Quốc hội nói riêng. Đại biểu Quốc hội là chủ thể giữ vai trò then chốt nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong việc thực hiện quyền lực nhà nước của Quốc hội, vì vậy Bác đã rất cô đọng đầy đủ các đặc điểm cần và đủ của đại biểu Quốc hội: Là những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà; những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc , ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.

Ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Bác Hồ đã đề ra tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội, và ủy viên hội đồng các cấp. Bác viết: Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương, phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các Ủy ban đó. Vì thế những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Nhân dân phải sử dụng lá phiếu của mình để nó "có sức lực như một viên đạn", để những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào.

Người còn nói: Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội. Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của từng cử tri…

Về phẩm chất người đại biểu Quốc hội, Người nhắc lại trong khi nói chuyện với Nhân dân Hà Nội nhân dịp đồng bào Thủ đô mừng kì họp thứ nhất Quốc hội khóa II: Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội, không phải là làm quan, không phải để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào... Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại biểu Quốc hội còn phải là người: cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Theo Bác, những đại biểu không xứng đáng: Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình.

3. Khi nói về quyền của nhân dân thông qua bầu cử Bác Hồ nói "Đó là một cách hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình". Với quan điểm đó, dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh in đậm trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và lần thứ hai 1959, đó là những Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban dự thảo. Những bản hiến pháp này chứa đựng tư tưởng của Bác về vấn đề xây dựng bộ máy Nhà nước nói chung và về Quốc hội nói riêng.

Hiến pháp năm 1946 đã tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản của một nhà nước dân chủ. Đó là :1, Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp tôn giáo; 2, Bảo đảm các quyền tự do dân chủ cho nhân dân; 3, Thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Từ những nguyên tắc trên , Hiến pháp năm 1946 đã bảo đảm về mặt pháp lý tất cả các quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân và Hiến pháp là cơ sở để tiến hành công việc của đất nước. Trong đó khẳng định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, HĐND là cơ quan quyền lực của nhà nước ở địa phương. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định, nhưng quyền lực của Nghị viện cũng bị kiểm tra lại bởi các thiết chế nhà nước và bởi nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước.

Với bản Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định bản chất dân chủ của chế độ ta, nhà nước ta. Trong một chế độ dân chủ, nhà nước dân chủ, người dân được đặt ở vị trí cao nhất - dân là chủ, còn các cơ quan Nhà nước và cán bộ nhà nước là "đầy tớ" là "công bộc" của Nhân dân. Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ/ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/bao nhiêu quyền hạn đều của dân/Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra/…quyền hạn và lực lượng đều ở nơi dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải sử dụng sức mạnh thần linh pháp quyền của Hiến pháp và pháp luật để giới hạn quyền lực nhà nước. Đây là nhân tố tiên quyết để hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo quan điểm của Người: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam". Vì thế nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, cũng tức là chủ thể tối cao của quyền lập hiến. Thông qua quyền này, nhân dân giao quyền, nhân dân ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho các cơ quan, cán bộ, nhân viên nhà nước. Bằng phương thức đó mà tổ chức quyền lực nhà nước mang sức mạnh của nhân dân, làm cho quyền lực nhà nước được hình thành một cách chính thức, cầm quyền một cách chính đáng, và buộc quyền lực nhà nước phải tổ chức và hoạt động trong giới hạn của Hiến pháp cho phép. Nói cách khác, kiểm soát quyền lực nhà nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là sử dụng Hiến pháp để giới hạn quyền lực nhà nước, buộc nhà nước phải tổ chức và hoạt động trong giới hạn của Hiến pháp.

Sự ra đời của Quốc hội và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước gắn liền với những bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền mới mong manh như "ngàn cân treo sợi tóc", cùng với việc bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là củng cố và tăng cường chính quyền. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp.