Bài 2: Dân chủ, lựa chọn những người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội
Cùng với sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 lần này là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.
Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, hiện thực hóa khát vọng cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo tâm nguyện của Bác Hồ nước ta sánh vai các cường quốc năm châu.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao, thực sự là ngày hội của toàn dân, công tác nhân sự có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để vừa bảo đảm phát huy dân chủ vừa thực hiện sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn công tác nhân sự lựa chọn bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp với kết quả của Đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Các cấp uỷ đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật. Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.Các cơ quan chức năng phải thực sự sâu sát năng động, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định cụ thể đối với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh; khắc phục có hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các khoá gần đây.
Có 3 điểm mới trong kỳ bầu cử lần này là: 1. Quy định về thời gian đối với UBTV Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu thành phần số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đến Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. 2. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải đảm bảo số dư cần thiết để hội nghị xem xét lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ 3 phải đảm bảo có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6 Điều 57 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. 3. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét cử tri lần này có điểm mới: trường hợp được dự kiến ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác. Những trường hợp giới thiệu người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ tại hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Đã 75 năm trôi qua, với vị thế là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội đã có những bước tiến, thể hiện tốt hơn vai trò, chức năng lập Hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, đưa Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Quốc hội đã, đang và sẽ chỉ có một con đường: Lòng Dân. Đó là đòi hỏi của một dân tộc, là khát vọng quyết phải hùng cường, đất nước phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong một thế giới đang vận động không ngừng, đầy thách thức.