Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van der Bellen, Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella và Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italy và thăm Tòa thánh Vatican.
Chuyến thăm bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 28/7.
Được biết, chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam với Áo, Ý và Vatican có các tiến triển tốt đẹp.
Việt Nam và Áo vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào tháng 11/2022. Trong quá khứ, nhân dân Áo đã ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Ngày 18/4 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg thăm chính thức Việt Nam.
Trong khi đó, năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy. Hiện, hợp tác kinh tế vẫn là điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Việt Nam và Italy thiết lập quan hệ ngoại giao ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Hai bên trở thành đối tác chiến lược vào tháng 1/2013.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN và Italy là đối tác Liên minh châu Âu (EU) lớn thứ 4 của Việt Nam. Năm 2022, dù có nhiều biến động và khó khăn, song kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 6,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.
Chính phủ Italy đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia tiếp tục ưu tiên thúc đẩy thương mại, đầu tư đến năm 2030. Nhiều nhà đầu tư của Italy trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo đều hoạt động hiệu quả, thành công tại Việt Nam, trong đó có Bonfiglioli, Piaggio, Danieli, Datalogic, Ariston.
Đối với Tòa thánh Vatican, cuối tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, Đức ông Miroslaw Wachowski, Trưởng đoàn Tòa thánh, đồng chủ trì cuộc họp vòng X Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh Vatican.
Tại đây, hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - Tòa thánh đạt nhiều tiến triển thời gian qua, bao gồm tiếp xúc và tham vấn định kỳ, trao đổi đoàn cấp cao Việt Nam và Tòa thánh, cũng như các chuyến thăm mục vụ thường xuyên của Đại diện Không thường trú, Đặc Phái viên Tòa thánh, Tổng Giám mục Marek Zalewski.
Hai bên đã thảo luận và cơ bản nhất trí về Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam.