Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Chủ tịch Quốc hội: Khó nhất vẫn là định giá đất

Cho ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tài chính về đất đai khó nhất vẫn là vấn đề định giá đất.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Dự thảo luật trình kỳ họp này so với trước có sự thay đổi rất cơ bản. Dự thảo Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, sau đó lại có Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét. Đặc biệt, Quốc hội đã tổ chức rất thành công lấy trên 12 triệu lượt ý kiến đóng góp, góp ý của nhân dân với vào từng điều khoản dần tạo được sự hoàn thiện.

Liên quan đến vấn đề giá đất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn Nghị quyết 18 quy định phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại không quy định rõ phương pháp xác định giá đất.

Theo Chủ tịch Quốc hội, về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định Chính phủ quy định chi tiết việc xác định giá đất; nội dung, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất; xây dựng và áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; tư vấn định giá đất. Trong khi Luật Đất đai khó nhất là vấn đề tài chính đất đai và trong tài chính đất đai khó nhất là vấn đề định giá đất. Do đó trong Luật này phải quy định về nguyên tắc xác định giá đất cũng như phương pháp xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

 “Nếu không quy định rõ phương pháp xác định giá đất trong Luật, làm sao Quốc hội an tâm để thông qua dự án Luật này. Quan điểm của chúng tôi là Chính phủ trình vấn đề này ra, đưa vào một chương hay một vài điều trong Luật, trong đó quy định về nguyên tắc, quy định về phương pháp xác định giá đất”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) (Ảnh: CTV)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) (Ảnh: CTV)

Về vấn đề lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quy định thế nào cho thực chất, tránh chuyện lấy cho có, hình thức. “Nếu như không đạt được tỷ lệ 100% đồng ý thì bao nhiêu phần trăm có thể ra được quyết định. Trong trường hợp người dân không đồng ý thì trường hợp nào xác định là đồng thuận và không đồng thuận?…”, Chủ tịch đề nghị phải quy định rõ vấn đề này.

Ngoài ra, nếu trường hợp ý kiến của nhân dân không đồng thuận với dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh hay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì cơ quan thẩm quyền có xem xét sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay không? Sửa đổi toàn bộ, hay sửa đổi một phần hay trong trường hợp bảo lưu thì trách nhiệm giải trình thế nào? Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu không quy định cụ thể tính khả thi của Luật rất thấp, rất khó cho những người điều hành cấp dưới.

Về vấn đề rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo Chủ tịch Quốc hội sẽ phát sinh nhiều vấn đề nếu không quy định kỹ sẽ rất khó vận hành. Trong khi việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là điều khó tránh khỏi, tất yếu. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, cần bổ sung quy định, nguyên tắc của việc rà soát diều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy định các tiêu chí cơ bản để thực hiện rà soát việc điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để hạn chế việc thay đổi không cần thiết, tuỳ tiện. Quy định bổ sung chế tài xử lý với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới có đủ sức răn đe.