Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những thành tích của ngành LĐTBXH
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Năm 2019, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu là những tác động không thuận khác gây ra nhiều khó khăn với tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của nước ta. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao; tình hình an ninh, trật tự xã hội được giữ vững và ổn định, quan hệ đối ngoại, quá trình hội nhập quốc tế đạt được nhiều tiến bộ, kết quả rất tốt… Những kết quả đã đạt được khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, đồng thời là kết quả của sự nỗ lực, đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, tạo đà cho sự phát triển các năm tiếp theo; trên cơ sở đó tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của toàn ngành LĐTBXH.
“Ngành đã hoàn thành các mục tiêu đột phá về xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động. Đồng thời, các ưu tiên về giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng được thực hiện có hiệu quả” - Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Các đại biểu dự Hội nghị Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020.
Theo Chủ tịch Quốc hội, điểm nhấn lớn nhất về công tác xây dựng thể chế là việc Bộ LĐTBXH đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Lao động 2019. Đây là bộ luật hội tụ nhiều điểm tiến bộ, nhân văn cho người lao động và đáp ứng tình hình hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc xác nhận người có công đã có những bước đột phá so với trước đây. Với sự nghiêm cẩn nhưng cũng rất thực tế, Bộ đã thực hiện công tác đánh giá, xem xét và xác nhận cho hàng ngàn trường hợp thương binh, liệt sĩ. Tới nay, cả nước có 8 địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng. “Nhiều người hy sinh sau 70 năm rồi nhưng không đủ hồ sơ, bằng nhiều nỗ lực, chúng ta mới có thể xác nhận được. Dịp Kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 vừa qua, tôi rất xúc động khi chứng kiến nhiều người lên nhận bằng Tổ quốc ghi công của cha, ông mà nước mắt đầm đìa” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Bên cạnh đó, lĩnh vực lao động, việc làm đã hoàn thành trước 01 năm của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, các tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tạo việc làm đã đề ra. Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân, các chính sách giảm nghèo hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, người nghèo được cải thiện hơn về điều kiện sống – theo cách tiếp cận đa chiều, không chỉ là ăn ở mặc mà còn có cả đời sống tinh thần; giờ đã có nhiều tiến bộ tích cực. “Tôi thực sự rất cảm động khi thấy tại một số địa phương, những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều, cả từ các cụ già, từ Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Kon Tum... một mặt cho thấy hiệu quả của chính sách giảm nghèo, nhưng quan trọng hơn đó là việc người dân đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tạo niềm tin, khát vọng cho người dân sống tốt hơn’, Chủ tịch Quốc hội nói.
Lĩnh vực trẻ em, công tác chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật và các lĩnh vực công tác khác của Ngành có nhiều điểm sáng, góp phần vào thành tích chung của Ngành trong năm vừa qua.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2020 và xây dựng chiến lược, kế hoạch cho giai đoạn tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý ngành LĐTBXH cần quan tâm tới những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 là: phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm các mục tiêu an sinh xã hội.
Thứ hai, Bộ cần tiếp tục nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, trong đó lưu ý các chính sách để khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập để nâng cao mức sống. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trường (đào tạo theo nhu cầu của thị trường) và gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nền tảng (trang bị kiến thức, kỹ năng lao động thành thạo cho công nhân), bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Thứ tư, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công, nhóm đối tượng này đang ngày càng ít đi. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trước hết là giảm nghèo ở nhóm đối tượng chính sách, không để các đối tượng chính sách có mức thu nhập, đời sống thấp hơn khu vực dân cư nơi cư trú, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn để thiết kế chính sách giúp người dân phát huy tinh thần tự lực, vươn lên thoát nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, tập trung nguồn lực nhằm đạt mục tiêu trong 5 – 10-20 năm tới đảm bảo đời sống tốt đẹp hơn cho người dân ở khu vực này. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm tới công tác bình đẳng giới, trong đó chủ yếu là đối tượng phụ nữ và trẻ em, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới; bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả trẻ em.
Thứ sáu, chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội, cũng như Nhân dân quan tâm.
Đồng thời, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để kịp thời thông tin, giải trình, báo cáo với Nhân dân, với xã hội một cách trung thực, chính xác những kết quả tích cực, những tồn tại, hạn chế trong hoạt động cũng như phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật, định hướng điều hành của Ngành để giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng, chia sẻ và tạo sự đồng thuận cao trong thực thi.
Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ và Ngành cần đầu tư trí lực, tìm tòi để nghiên cứu xây dựng một chiến lược dài hạn phát triển Ngành đồng đều, hài hòa giữa bảo đảm an sinh xã hội nói riêng, chính sách xã hội nói chung với thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường lao động ngày một đa dạng, năng động, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập, tiệm cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.
Thảo Vân/ GĐTE - Ảnh: Anh Tuấn TTXVN